Lợn bị nhiễm dịch được cân tính giá hỗ trợ trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Để chủ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện khoanh vùng, khống chế xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn ốm chết do nhiễm vi rút bệnh, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm, môi trường chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển lợn ra vào ổ dịch, giám sát dịch bệnh tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm. Các đơn vị chức năng cũng kiểm soát các phương tiện giao thông và người dân từ các tỉnh đã và đang có dịch mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào địa bàn tỉnh Yên Bái... Cũng trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái hiện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra trực tiếp về cơ sở để nắm bắt tỉnh hình và có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; kiểm tra việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bắt buộc tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tất cả lợn trong khu vực khoanh vùng dịch đều phải tiêu hủy. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Tỉnh Yên Bái đã cấp 11.750 lít sát trùng, 5 máy kích điện tiêu hủy lợn, 7 máy phun động cơ phục vụ cho tiêu hủy lợn và tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. Các địa phương đã sử dụng hơn 40.507 kg vôi thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây nhiễm. Tỉnh cũng đã thành lập 77 chốt kiểm soát dịch bệnh tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã thành lập tổ kiểm soát lưu động liên ngành của tỉnh để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Qua đó phát hiện những trường hợp vi phạm và xử phạt hành chính với 18 trường hợp. Tại tỉnh Sơn La, ông Lừ Văn Trường – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 14 xã đã công bố hết dịch nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Theo Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Sơn La Lừ Văn Trường, thực tế việc tiêu hủy lợn bệnh tại một số địa phương còn gặp khó khăn, hạn chế. Trong khi việc lưu cữu lợn bệnh là nguy cơ phát tán và lây lan mầm bệnh thì một số địa phương chưa thực hiện tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, triệt để do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, nhiều hộ dân còn nuôi lợn thả rông… Cùng với đó, việc sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố về trung tâm dịch vụ nông nghiệp thiếu cán bộ chuyên trách chăn nuôi – thú y nên việc tham mưu, điều hành, thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch còn lúng túng. Để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 08/BCĐ ngày 13/9/2019 về tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng tiêu hủy lợn bệnh, vứt xác lợn bệnh ra môi trường làm ô nhiêm và lây lan bệnh dịch. Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, trong dài hạn, các ngành chức năng và địa phương cần sớm có giải pháp, cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế về khả năng sản xuất của từng đối tượng vật nuôi, phù hợp với các vùng kinh tế của từng địa phương, tiến tới chuyển đổi chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Theo đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai các mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, áp dụng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Thực hiện tiêu trùng khử độc môi trường xung quanh sau khi đưa lợn đi tiêu hủy. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị và Nghệ An tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Tại Quảng Trị, đến đầu tháng 10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 7.620 hộ chăn nuôi ở 111 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy trên 40.000 con với tổng trọng lượng hơn 2.100 tấn. Đáng chú ý tại các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và Vĩnh Linh dịch vẫn lây lan nhanh, tốc độ phát sinh ca bệnh mới hàng ngày tăng cao, nhất là ở các vùng có mật độ chăn nuôi cao và hộ chăn nuôi quy mô lớn; có ngày số lượng lợn phát bệnh, buộc phải tiêu hủy lên đến từ 500 – 1.000 con/ngày. Hiện các địa phương trong tỉnh Quảng Trị tiếp tục chốt chặn ở những địa bàn có dịch xảy ra. Lực lượng chức năng tập trung phối hợp với chủ hộ chăn nuôi, tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng; trong đó, thực hiện liên tục ở vùng có dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn. Tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện “5 không”: không giấu khi lợn bệnh; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh; không vứt xác lợn chết bừa bãi… Đối với tỉnh Nghệ An cũng gấp rút triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để hướng dẫn hộ chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình phòng chống dịch; tăng cường thêm lực lượng phòng chống dịch tại những nơi có nguy cơ lây lan và xuất hiện dịch nhiều; duy trì các tổ kiểm soát cơ động liên ngành. Tại Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi. Đơn cử, tại xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) đã có trên 1.450 con lợn phải tiêu hủy do dịch. Các xã khác trong huyện như Diễn Đồng, Diễn Bình, Diễn Xuân, Diễn Thái… cũng xuất hiện dịch trở lại. Ở các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương…, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện với chiều hướng phức tạp. Nhiều nhất là huyện Đô Lương có 27 xã, Quỳnh Lưu 17 xã, Thanh Chương 3 xã… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh là do vi rút dịch tiềm ẩn nhiều trong các khu dân cư. Mặt khác, trong tháng 9/2019, trên địa bàn xảy ra mưa lũ gây ngập úng làm dịch có cơ hội phát tán ra diện rộng. Tại nhiều nơi, việc phòng chống dịch tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc; trong đó có việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn. Phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân nhiều, có cả việc nuôi thả tự nhiên trong các khu dân cư. Mặt khác, phòng chống dịch chưa được coi trọng thường xuyên.
Ngọc Anh - Nguyên Lý - Diệp Anh - Nguyễn Văn Nhật