Một nghiên cứu của trường Đại học Nam Australia (UniSA) và Đại học Flinders, công bố ngày 17/6, cho thấy việc ghi lại các chuyển động của võng mạc mắt có thể được dùng để phát hiện các rối loạn trong phát triển hệ thần kinh.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc này. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng hoạt động của võng mạc giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Họ phát hiện rằng trẻ em mắc chứng ADHD có năng lượng cao hơn trong một điện đồ võng mạc (ERG), phương pháp đo hoạt động của võng mạc trước phản ứng với ánh sáng, và những trẻ mắc chứng ASD có năng lượng thấp hơn, chứng tỏ đây là một chỉ số sinh học tiềm năng để phát hiện hai bệnh trên.
Trong một thông cáo báo chí, chuyên gia nghiên cứu thị lực tại Đại học Flinders, ông Paul Constable cho biết ASD và ADHD là các rối loạn phát triển thần kinh phổ biến được chẩn đoán ở trẻ em. Nhưng vì hai bệnh này có nhiều đặc điểm khá giống nhau, nên việc chẩn đoán bệnh có thể phức tạp và kéo dài. Nghiên cứu trên giúp cải thiện việc chẩn đoán này. Ông nói: "Bằng việc nghiên cứu các dấu hiệu trong võng mạc tùy theo sự thay đổi ánh sáng vào mắt, chúng tôi hy vọng phát triển chẩn đoán sớm và chính xác hơn cho các căn bệnh khác nhau về phát triển hệ thần kinh".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1% trẻ mắc chứng ASD và từ 5-8% trẻ bị ADHD. Ngoài hai rối loạn thần kinh này, chuyên gia nghiên cứu Fernando Marmolejo-Ramos, từ Đại học UniSA, cho biết nghiên cứu trên có tiềm năng phát hiện các bệnh khác về hệ thần kinh. Ông cho biết: "Chúng tôi hướng đến việc nghiên cứu mắt giúp ta hiểu hơn về bộ não như thế nào. Trong khi cần thêm nghiên cứu để hiểu được những bất thường trong các dấu hiệu về võng mạc cho thấy các rối thần kinh nói trên và các rối loạn khác nữa, điều chúng tôi đã quan sát được đến nay cho thấy chúng ta sắp tìm ra điều kỳ diệu".
Bích Liên