Nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến phải thực sự “câu tay” để tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng. |
Nông dân cần thông tin để vượt qua “rào cản” !
“Tôi chỉ nghe loáng thoáng phía Mỹ đưa ra quy định mới về nhập khẩu cá tra. Trong đó có quy định về vùng nuôi, vận chuyển gì đó… Tôi rất lo lắng, vì thời gian qua đầu ra cho cá tra vốn đã rất khó khăn. Vừa qua, tôi cũng đã đăng ký vùng nuôi rõ ràng. Mong các cơ quan chuyên môn nắm kỹ tình hình để đấu tranh với phía Mỹ cũng như hướng dẫn nông dân nuôi cá tra ứng phó với tình hình mới”, anh Lê Văn Trường, một người nuôi cá ven sông Hậu - Cần Thơ cho biết.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đến cuối năm 2015, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 5.200ha, tăng 2,3% so với năm 2014, nông dân đã thu hoạch hơn 3.300ha, sản lượng vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Hiện tại các tỉnh dọc theo triền sông Tiền và sông Hậu là vùng nuôi chủ lực cá tra, cá ba sa. Trong đó An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ là 3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất. Hàng ngàn hộ nuôi cá tra ở đây đang lo lắng về những tác động từ quy định mới của phía Bộ Nông nghiệp Mỹ. “Không công bằng. Đây là cách Mỹ bảo hộ những người nuôi cá nheo”, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), nhận định. Ông Lê Chí Bình cũng thừa nhận, người nuôi cá tra ở ĐBSCL không nhận diện và hình dung được những quy định và tác động tiêu cực do phía Mỹ đưa ra mới đây. Vì vậy, việc các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng tuyên truyền để nông dân nuôi cá chủ động ứng phó với tình hình mới.
Còn theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, quy định này vi phạm tự do thương mại của WTO, tác hại xấu đến người nuôi cá và lao động trong lĩnh vực chế biến. Song, không chỉ có người nuôi cá ĐBSCL ảnh hưởng về thu nhập mà còn ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động của Mỹ - những người trực tiếp chế biến, tạo giá trị gia tăng cho cá tra Việt Nam trên đất Mỹ. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng chỉ ra: “Đây là một chuỗi thiệt hại lớn cho cả hai phía. Quan trọng hơn quy định này đi ngược với xu hướng thị trường thương mại tự do của Mỹ. Đây là rào cản đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam trên đất Mỹ”.
Càng khó khăn - doanh nghiệp và nông dân cần “câu tay” !
Dù đối diện không ít lần kiện tụng của nước ngoài thông qua các “hàng rào kỹ thuật”, nhưng con cá tra vẫn là mặt hàng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Việc đấu tranh, thương thảo để hạn chế những rủi ro, thiệt hại do phía Mỹ đưa ra là việc làm cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội để nghề nuôi và ngành chế biến cá tra, cá ba sa ĐBSCL “soi” lại chính mình. Thực tế, ngay trong nội bộ ngành chế biến xuất khẩu vẫn còn những lục đục, tranh giành thiếu lành mạnh. Đây là hệ lụy từ sự phát triển “bùng nổ” thiếu kiểm soát từ vùng nuôi đến các nhà máy chế biến thủy sản.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), nhớ lại: Cách đây khoảng 8 năm, nếu thống kê công suất từ các nhà máy là 7.400 tấn/ngày, thì sản lượng đã đạt 2 triệu tấn. Tuy nhiên, thống kê từ các địa phương thì sản lượng chỉ có 1 triệu tấn. Chuyện cá tra ùn ứ, kéo theo giá cá tra tăng - giảm thất thường là đương nhiên. Thời điểm đó, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, đã kêu thán: Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để thống kê chính xác sản lượng nuôi? Tất nhiên, thời điểm đó vùng nuôi cá tra đã có những quy hoạch hẳn hoi. Nhưng ai là người kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi thì vẫn để bỏ ngỏ. Vì vậy, câu chuyện “cá tra nằm trên thớt” khi sản lượng dư thừa là không khó hiểu. Sản lượng dư thừa nên doanh nghiệp dễ thao túng thị trường, dẫn đến nhiều hệ lụy: cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu, bán phá giá… Có người nói, đây cũng là hệ lụy tư duy “tăng trưởng nhiệm kỳ”: khi sản xuất lúa gần đội trần tăng trưởng, các địa phương tập trung đẩy khu vực thủy sản tăng trưởng (nhằm tăng GDP), mà thiếu giải pháp kiểm soát vùng nuôi và ngành chế biến.
Thực tế, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có những hành động thiết thực để từng bước đưa vùng nuôi cá tra, cá ba sa đi vào tầm kiểm soát và phát triển ổn định. Cụ thể là triển khai thực hiện Nghị định 36, hiện trạng vùng nuôi nguyên liệu cá tra đã có bước tiến đáng kể khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra theo quy định của Nghị định 36. Đến nay đã có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu với 15.000 hồ sơ đăng ký xuất khẩu gần trên 500.000 tấn. Từ tháng 6-2015 đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã gắn được “bộ định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Theo đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đã giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi.
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA, những quy định mang yếu tố “kỹ thuật bảo hộ” như phía Mỹ vừa đưa ra không là “quy định cuối cùng”. Vì vậy, đến lúc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra triệt bỏ tình trạng “giẫm đạp” lên nhau để cạnh tranh thị trường. “Không có cách nào khác là ĐBSCL phải từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết dọc, nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến phải thực sự “câu tay” để tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng cá tra, cá ba sa chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới”, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA, nhấn mạnh.
Báo Hậu Giang