Gia cố bờ ngăn mặn tại Trùm Thuật Nam, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Đoàn kiểm tra đã tiến hành khảo sát tại các điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tuyến đường có vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng); tình trạng sụt lún tại tuyến đê biển Tây; sụt lún tại các đường giao thông nông thôn và thực tế xâm mặn tại cống Trùm Thuật Nam. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau khô cạn gần như hoàn toàn. Thực tế trên đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu các công trình về giao thông, thủy lợi của tỉnh Cà Mau. Thống kê từ đầu mùa khô đến nay, chỉ riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 1.000 điểm sạt lở gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 22km. Tình trạng xâm nhập mặn không chỉ diễn ra nghiêm trọng tại cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam mà còn đang diễn ra tại 18 tuyến cống ngăn mặn khác. Bên cạnh đó, khô hạn cũng đã làm thiệt hại hơn 18.000 ha lúa và hàng trăm ha hoa màu. Ngoài ra, hơn 20.000 hộ dân vùng ngọt hóa lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt… Từ thực trạng đáng báo động này, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu giải pháp giúp địa phương ứng phó, khắc phục có hiệu quả. Tuy nhiên, dù đã có nhiều đề xuất khắc phục tình trạng các công trình bị sụt lún và xâm nhập mặn, nhưng đến nay tỉnh Cà Mau vẫn đang cân nhắc và chưa đưa ra giải pháp sau cùng. Trước đó, tại buổi làm việc giữa tỉnh Cà Mau và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tình hình sụt lún tại vùng ngọt Trần Văn Thời, nhiều ý kiến cho rằng nên “đưa một lượng nước mặn vừa phải” vào để khắc phục. Bởi theo nhận định ban đầu của các ngành chức năng địa phương thì tình trạng sụt lún có nguyên nhân lớn nhất là do thiếu nước tại các tuyến kênh, rạch. Huyện Trần Văn Thời cũng đã khảo sát ý kiến người dân và đa số đồng tình với phương án này, tuy nhiên vấn đề lớn nhất được đặt ra là: Hậu tình trạng hạn mặn có giữ được vùng ngọt hóa hay không? Và nếu người dân tự ý chuyển dịch sang nuôi tôm thì về lâu dài sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?! Thông tin cụ thể về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Trước tình hình hạn hán nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để hạn chế thiệt hại do sụt lún đất. Ngành chức năng địa phương đã lấy ý kiến người dân, tham khảo nhiều chuyên gia và đánh giá rất kỹ để đưa ra phương án này. Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy chưa đồng ý với phương án này”. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã có Tờ trình đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ xem xét hỗ trợ Cà Mau gần 193 tỷ đồng để phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019-2020. Sau buổi khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Riêng khu vực sụt lún trên tuyến đê biển Tây, phương án của tỉnh là sẽ đào một con kênh khác (phía sau khu dân cư hiện hữu và song song với thân đê, cách thân đê hơn 100 m về phía nội đồng) để tạo phản áp giảm thiểu sụt lún phá vỡ kết cấu công trình đê. Theo đó, đất từ việc đào kênh sẽ dùng để lấp đầy con kênh hiện hữu nằm dọc theo chiều dài công trình đê biển Tây, đoạn Đá Bạc đến cống Kênh Mới. Trường hợp không đủ đất, tỉnh sẽ bơm thêm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh. Mặt khác, kênh mới đào sẽ có tác dụng trữ nước cung cấp nước cho vùng sản xuất phía trong đê và giúp lưu thông đường thủy của bà con trong khu vực. Về giải pháp khắc phục sụt lún đường giao thông, trong đó có tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, tỉnh vẫn chưa chốt phương án khắc phục.
Huỳnh Anh