Trong cuốn Địa chí Hà Bắc xuất bản năm 1982 và cuốn sách Nghệ thuật Việt Nam (L’art vietnamien) của nhà nghiên cứu người Pháp L. Bezacier, xuất bản năm 1944 có nói về lịch sử hình thành ngôi chùa Bút Tháp. Theo các cuốn sách trên, chùa Bút Tháp có từ thời Trần, tức khoảng thế kỷ XIII. Cả hai cuốn sách đều đề cập việc Trạng nguyên Lý Đạo Tái (1254-1334) sau khi từ quan đã có thời gian về chùa Bút Tháp tu hành, lấy pháp danh là Huyền Quang.
Tòa Tích thiện am là một trong những công trình có lối kiến trúc độc đáo của chùa Bút Tháp.
|
Tháp Báo nghiêm là công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Bút Tháp. Tháp được dựng vào thế kỷ XVII, gồm 5 tầng, có hình dáng như cây bút khổng lồ.
|
Du khách say sưa ghi lại những hình ảnh kiến trúc độc đáo của chùa Bút Tháp. |
Đến thế kỷ XVII, hoàng tộc triều Lê đóng góp tiền của tu sửa lại chùa Bút Tháp với quy mô rất lớn. Ở các giai đoạn sau, chùa tiếp tục được tu sửa nhỏ nhiều lần, nhưng về cơ bản, kiến trúc hiện nay chủ yếu của thế kỷ thứ XVII, gồm các hạng mục: tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, tòa Thượng điện, tòa Tích thiện am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường và hai dãy hành lang ở hai bên.
Chùa Bút Tháp còn có tên là Ninh Phúc Tự, nằm ở phía Tây thôn Bút Tháp xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông.
|
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chùa Bút Tháp còn lưu giữ hàng trăm hiện vật, với nhiều loại chất liệu, có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Trong đó, nổi bật nhất là pho tượng “Phật bà nghìn tay nghìn mắt” được đặt trong tòa Thượng điện. Pho tượng này được đánh giá là tác phẩm kiệt xuất của nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVII còn bảo lưu nguyên vẹn đến ngày nay, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2011.
Chùa Bút Tháp là ngôi chùa nổi tiếng vùng Kinh Bắc, có lịch sử gần 800 năm,
là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
|
Chùa Bút Tháp được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc đã có từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ XV-XVIII. |
Tượng “Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay” là bảo vật nổi tiếng nhất của chùa Bút Tháp. Pho tượng được tạc bằng gỗ quý, cao 3,7 mét, ngang 2,1 mét.
Bức tượng được nghệ nhân Trương Thọ Nam hoàn thành vào năm Bính Thân (1656).
|
Một điểm độc đáo khác của chùa Bút Tháp là nghệ thuật chạm khắc đá tinh xảo của các nghệ nhân dân gian. Tiêu biểu là hai công trình: hành lang tòa Thượng điện và tháp Báo nghiêm. Bao quanh Thượng điện cả 4 mặt là hành lang với một hàng lan can bằng đá xanh được chạm khắc rất điêu luyện các điển tích cổ như: “phượng vũ kỳ lân”, “song ngư hý nguyệt”, “cô lộ sơn lộc”, “tam dương triều nguyệt”, “tứ linh, tứ quý”, “lý ngư hoá long”, “tùng trúc đông thiên”.
Phía sau tượng Phật Bà Quan Âm có 952 bàn tay, trên mỗi lòng bàn tay có khắc một con mắt đen dài.Các bàn tay này được gắn thành 14 lớp từ trong ra ngoài, tạo thành vầng hào quang bao quanh tượng Phật Bà Quan Âm.
|
Tòa Thượng điện có phần móng làm bằng đá xanh. Hành lang bao quanh Thượng điện là các khối đá được chạm khắc tinh xảo.
|
Men theo lối hành lang Thượng điện, qua cây cầu đá du khách sẽ bắt gặp tòa Tích thiện am. Đây là kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp. Toà này được kết cấu theo kiểu chồng diêm: tầng 1 gồm 5 gian, tầng 2 thu lại còn 3 gian, tầng ba thu lại còn 1 gian.
Các tác phẩm chạm khắc đá trên hành lang Thượng điện.
|
Cầu đá nối liền Thượng điện với tòa Tích thiện am, gồm ba nhịp, hai bên lan can cầu có 6 bức tranh chạm khắc đá.
|
Toà Tích thiện am được dựng vào thế kỷ XVIII và đã được tu sửa nhiều lần. Trong Tích thiện am đặt Cửu phẩm liên hoa hay còn gọi là “Cối kinh”, đây là kiểu kiến trúc tiêu biểu của phái Mật Tông (bắt nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc). Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, cao 7,8m, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn. Du khách có thể vừa tụng niệm một lời cầu ước và tự mình quay Cối kinh.
Bức tranh chạm khắc đá “hoa cúc”.
|
Những bức tranh chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp rất độc đáo, các nét chạm nhìn bề ngoài thì ngẫu nhiên, tự do, nhưng hết sức chắt lọc, khái quát, làm nổi bật chủ thể.
|
Người xưa tin rằng, mỗi một vòng xoay của Cối kinh tương đương với 3.542.400 lần tụng niệm và phật pháp sẽ mau chóng được chứng quả (lời cầu nguyện sẽ thành hiện thực). Hiện nay, ở Việt Nam chỉ còn ba cây Cửu phẩm liên hoa ở ba ngôi chùa thuộc dòng Trúc Lâm: Bút Tháp (Bắc Ninh) chùa Phẩm và chùa Giám (Hải Dương).
Bức tranh chạm khắc đá “hoa sen”. |
Các bức chạm khắc tượng gỗ ở chùa Bút Tháp được coi là hình mẫu tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ ở Việt Nam. |
Tháp Báo nghiêm được ghép bằng đá xanh, không dùng vữa trát mạch. Trên tháp có 23 bức chạm khắc đá: 8 bức ở chân lan can, 8 bức ở tầng 1, 7 bức ở tầng 2, hai cột cửa tháp được trạm nổi hình rồng.
|
Bên trong tòa Tích thiện am đặt Cửu phẩm liên hoa làm bằng gỗ hình bát giác, gồm chín tầng, có thể xoay được. |
Ngày nay, Bút Tháp không chỉ là niềm tự hào của nền kiến trúc, điêu khắc cổ của Việt Nam, mà còn là nơi cửa Phật linh thiêng luôn chào đón phật tử và du khách khắp mọi miền đất nước tìm về chiêm bái Phật. Mỗi người hành hương về đây đều tâm niệm cho cuộc sống thanh cao, nhân hậu, bác ái từ bi. Chùa Bút Tháp còn là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam và khám phá miền đất Kinh Bắc cổ kính. Mỗi ngày, chùa Bút Tháp đón hàng trăm du khách nước ngoài, trong đó đông đảo nhất là du khách Pháp./.
Theo vietnam.vnanet.vn