Bước đột phá trong phát triển tế bào gốc tạo máu

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở thành phố Melbourne (Australia) đã đạt được bước đột phá khi tạo ra các tế bào gốc tạo máu được nuôi trong phòng thí nghiệm gần giống với các tế bào trong cơ thể con người.

Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị một số chứng rối loạn. Các tế bào gốc tạo máu này có thể cấy ghép được, mở ra cơ hội điều trị cho trẻ em mắc bệnh bạch cầu và rối loạn suy tủy xương.

Cấy ghép tế bào gốc, còn được gọi là ghép tủy xương, thường được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu, ung thư bạch cầu và rối loạn tủy xương do khả năng tự sao chép và tạo ra hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu của tế bào gốc. Tuy nhiên, việc tìm được người hiến tặng phù hợp để cấy ghép thường rất khó khăn.

Công trình trên đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát triển được tế bào gốc tạo máu trong phòng thí nghiệm gần giống với tế bào trong phôi thai và có thể được sử dụng để điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào. Nhà nghiên cứu Elizabeth Ng cho biết khả năng lấy bất kỳ tế bào nào từ bệnh nhân, tái tạo thành tế bào gốc và sau đó biến chúng thành tế bào máu phù hợp để cấy ghép sẽ có tác động lớn đến cuộc sống của những bệnh nhân dễ bị tổn thương này. Điều quan trọng là những tế bào này phải được tạo ra ở quy mô cần thiết và đảm bảo khỏe mạnh để sử dụng trong lâm sàng.

Nhóm nghiên cứu đã tiêm tế bào gốc tạo máu được tạo ra trong phòng thí nghiệm vào những con chuột bị suy giảm miễn dịch. Họ phát hiện ra rằng các tế bào này đã trở thành tủy xương có chức năng ở mức độ tương tự như trong các ca cấy ghép dây rốn. Họ cũng phát hiện ra rằng các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể được đông lạnh trước khi cấy vào chuột, mô phỏng quá trình bảo quản tế bào của người hiến tặng trước khi cấy vào bệnh nhân.

Nhà nghiên cứu Andrew Elefanty cho biết việc phát triển các tế bào máu dành riêng cho từng bệnh nhân sẽ ngăn ngừa các biến chứng của việc cấy ghép từ người hiến tặng cho bệnh nhân, giải quyết tình trạng thiếu người hiến tặng và giúp khắc phục các nguyên nhân cơ bản của các bệnh về máu. Ông cho biết bước tiếp theo, có thể trong vòng 5 năm, là tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để kiểm tra mức độ an toàn của việc sử dụng các tế bào được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở người.

Thanh Tú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm