Kể từ ngày 14/8, các loại bột làm bánh mì, không phải bột mì hữu cơ, ở New Zealand đều được bổ sung acid folic - tên gọi khác của vitamin B9 - nhằm ngăn chặn nguy cơ dị tật ống thần kinh - khuyết tật bẩm sinh xảy ra ở não và cột sống của thai nhi. Như vậy, quốc gia châu Đại Dương đã cùng hơn 70 nước bổ sung axit folic vào thực phẩm chủ yếu để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh này.
Các nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic có thể làm giảm 70% nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh trong thai kỳ. Việc bổ sung axit folic phải được thực hiện trước khi thụ thai để có hiệu quả đầy đủ. Tuy nhiên, hơn 50% số ca mang thai ở New Zealand là ngoài ý muốn. Khảo sát năm 2011 ở New Zealand cho thấy chỉ hơn 30% số phụ nữ tiêu thụ thực phẩm bổ sung axit folic trước khi mang thai. Tỷ lệ mắc dị tật ống thần kinh ở New Zealand hiện là khoảng 10,6/10.000 trẻ ra đời còn sống.
Bà Louise Brough, giảng viên cao cấp về Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Massey, nêu rõ bánh mì là thực phẩm thích hợp để cung cấp axit folic do được tiêu thụ rộng rãi trên khắp New Zealand và những người có thu nhập thấp là đối tượng tiêu thụ nhiều bánh mì hơn. Giải đáp những quan ngại về việc tăng lượng axit folic ở các nhóm dân số khác, bà Brough cho biết Mỹ đã bổ sung axit folic vào bánh mì trong hơn 2 thập niên qua. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ bị dị tật ống thần kinh bẩm sinh đã giảm, trong khi không gây hậu quả nào đối với các nhóm dân số khác.
Việc bổ sung axit folic vào bánh mì đã trở thành quy định bắt buộc tại Australia từ năm 2009 và giới chuyên gia ước tính rằng tỷ lệ các bà mẹ sinh ra trẻ mắc các khuyết tật ống thần kinh ở nước này đã giảm 14%.
Phó Giáo sư Lynne Chepulis thuộc Đại học Waikato khẳng định có những bằng chứng cho thấy axit folic có rất nhiều lợi ích ngay cả ngoài thời kỳ mang thai, như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí một số bệnh ung thư.
Lan Phương