Bố trí kinh phí sửa chữa ngay đập, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn

Cắt, khoan một ngưỡng tràn để hạ thấp mực nước trong hồ Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Minh Hưng – TTXVN
Cắt, khoan một ngưỡng tràn để hạ thấp mực nước trong hồ Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian vừa qua, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp.

Bố trí kinh phí sửa chữa ngay đập, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn ảnh 1Cắt, khoan một ngưỡng tràn để hạ thấp mực nước trong hồ Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Theo Cục Thủy lợi, các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước còn hạn chế.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp (được giao quản lý các hồ vừa và lớn), cơ bản cán bộ có năng lực, được đào tạo, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý, khai thác, nên công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa được thực hiện tốt, phát huy tối đa hiệu quả các đập, hồ chứa phục vụ sản xuất, dân sinh.

Tuy nhiên, với cấp huyện, xã (được giao khai thác đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ), nhiều nơi chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định, lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn thiếu và năng lực còn hạn chế.

Hiện tại, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, khu vực hạ du đang dần hình thành các khu đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi đang bị thu hẹp lại, lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho khu vực hạ du.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 30 công trình đập, hồ chứa thủy lợi; trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương sửa chữa nâng cấp 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đập, hồ chứa. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng, đảm bảo hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Các chủ đầu tư xây dựng sẽ phải có phương án ứng phó thiên tai trong quá trình thi công.

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa thủy lợi. Đồng thời, bố bố trí kinh phí sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao trước lũ chính vụ 2023; sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa nâng cấp các công trình, hạng mục công trình còn lại.

Địa phương rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; trong đó, lưu ý các kịch bản vận hành hồ chứa ứng phó với mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, cực đoan; tổ chức diễn tập, hướng dẫn người dân phương án ứng phó với các tình huống khi hồ chứa xả lũ hoặc vỡ đập.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; rà soát việc phân giao quản lý các đập, hồ chứa; kiện toàn, củng cố tổ chức quản lý khai thác đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo đáp ứng năng lực theo quy định của pháp luật thủy lợi.

Cùng đó, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án sửa chữa nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và sổ tay vào quản lý, khai thác nhằm nâng cao năng lực của các cán bộ chuyên môn.

Đối với các hồ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, ông Nguyễn Tùng Phong cho biết, đơn vị thực hiện đánh giá an toàn đập; đánh giá khả năng thoát lũ vùng hạ du đập, giải pháp ứng phó, nhất là các hồ chứa lớn mà hạ du không đảm bảo khả năng thoát lũ.

Theo Cục Thủy lợi, hiện cả nước đã xây dựng được 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi; trong đó, có 592 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182 km. Tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Có 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho các đơn vị của Bộ quản lý: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng; Công ty TNHH MTV KTTL Cửa Đạt quản lý hồ Cửa Đạt, Ngàn Trươi; Công ty TNHH MTV KTTL Tả Trạch quản lý hồ Tả Trạch.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm