Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, tỉnh có 27 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; 7 đập thủy lợi, 5 tràn xả lũ và 2 cống lấy nước bị hư hỏng nặng, cần sửa chữa trước mùa mưa bão 2023.
Đây đều là những công trình có vai trò quan trọng trong quá trình điều tiết nước vào mùa mưa. Vì vậy, tỉnh Kon Tum cần sớm có giải pháp khắc phục, tránh gây ảnh hưởng đời sống của người dân khi xuất hiện lũ.
Trong 27 hồ chứa bị hư hỏng, có 7 hồ chứa lớn với dung tích chứa trên 3 triệu m3 nước là các hồ chứa C1, Đăk Prông, Đăk Rơ Wa, Đăk Trang, Đăk Hơ Na, Kon Chênh, Tân Điền. Số hồ chứa còn lại có dung tích nhỏ hơn như hồ Đội 6, Đăk Sia I, Tea Hao,… Đa số các hồ chứa bị hư hỏng tràn xả lũ, đập đất. Tổng kinh phí để sửa chữa các hồ chứa trên 90 tỷ đồng.
7 đập thủy lợi bị hư hỏng nặng thuộc các công trình Hồ chứa Tân Cảnh 1 (huyện Đăk Tô); hồ chứa Đăk Phát 1, Đăk Chà Mòn 1 (thành phố Kon Tum); hồ chứa Đội 6, Đội 4 (huyện Sa Thầy); hồ chứa C1 (huyện Đăk Hà) và hồ chứa Kon Chênh (huyện Kon Plông). 5 tràn xả lũ bị hư hỏng nặng tại Hồ chứa Đăk Chà Mòn 1 (thành phố Kon Tum); hồ chứa Kon Tu, Đăk Prét (huyện Đăk Hà); hồ chứa Đội 6, Đội 4 (huyện Sa Thầy). Ngoài ra, 2 cống lấy nước tại Hồ chứa Đăk Trang (huyện Tu Mơ Rông) và hồ chứa Tân Cảnh 2 (huyện Đăk Tô) cũng bị hư hỏng nặng.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023 hiện vẫn còn một số khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ công trình. Người dân lấn chiếm đất để canh tác ở hành lang thoát lũ hạ lưu tràn xả lũ, trong phạm vi vùng phụ cận từ nhiều năm trước. Đặc biệt, một số diện tích đã được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất nên việc quản lý, cắm mốc chỉ giới bảo vệ, vận hành công trình gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi được xây dựng lâu, qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp không còn đảm bảo nhiệm vụ tưới, ứng phó với mưa lũ. Còn nhiều hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra… dẫn đến nguy cơ mất an toàn hồ đập cao trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển rất hạn hẹp, khiến công tác đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ đập gặp khó khăn.
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước cho các công trình chưa có hoặc không đảm bảo để thuận lợi trong công tác quản lý, vận hành và ứng cứu công trình khi có sự cố.
Trước đó, cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND về việc phân bổ nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong số 30 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ, tỉnh Kon Tum đã phân bổ hơn 11 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng của các công trình thủy lợi; trong đó, khắc phục sạt lở suối Đăk La, huyện Đăk Hà 9 tỷ đồng; sửa chữa khắc phục công trình Đập Đăk Grấp; Đăk Leng 2; Đăk Tua; Đăk Ka Well,.. 3 tỷ đồng.
Dư Toán