Người dân bản Nà Cang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La) sử dụng nguồn nước sạch do Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La) kéo về từ đỉnh Huổi Pó. Ảnh: nhandan.com.vn |
Suốt quãng đường gần 10 cây số từ trung tâm UBND xã Mường Và đến bản Nà Cang, chiếc xe u-oát dã chiến chở chúng tôi liên tục phải di chuyển trong trạng thái lắc lư, chao đảo, vượt qua các đoạn đường ổ gà, rãnh lòng máng hay những mỏm "sống trâu" chênh vênh. Trung tá Nguyễn Văn Toan, Ðội trưởng Ðội Sản xuất số 2, Ðoàn KT-QP 326 cho biết: So với 10 năm trước, con đường vào bản Nà Cang giờ thuận lợi hơn nhiều rồi đấy. Trước đây, để vào được bản này, anh em trong đơn vị chúng tôi đều phải "tăng bo" bằng xe máy. Những ngày trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt chỉ còn cách xắn quần lội bộ… vào bản. Ðến với bản Nà Cang hôm nay, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng, bởi trước mắt là điểm dân cư tập trung, với những ngôi nhà gỗ chắc chắn, mái ngói đỏ tươi, đường bê-tông dẫn đến từng hộ gia đình. Chung quanh bản là những nương sắn, nương ngô non xanh mơn mởn, phủ kín các sườn đồi; đàn trâu hàng trăm con đang thong dong gặp cỏ bên bờ suối, báo hiệu cuộc sống êm ấm, đủ đầy. Không giấu nổi niềm vui, Trưởng bản Nà Cang Cút Văn Sơ, người dân tộc Khơ Mú, hồ hởi tâm sự: Cuộc sống của người dân trong bản được như bây giờ là nhờ có sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành ở địa phương, nhất là sự giúp đỡ của bộ đội Ðoàn KT-QP 326. Trước đây, dân bản sinh sống bên kia sườn Pha Thoóng, không có điện, chẳng có trường để trẻ con đến lớp. Bản cách đường tỉnh lộ nửa ngày đi bộ, mỗi lần bà con muốn xuống chợ xã bán con lợn, con gà, tải ngô, thúng thóc… vất vả lắm. Nhưng khổ hơn cả là dân bản không có nước dùng. Mỗi lần tắm, giặt, người dân phải xuống suối tận chân núi Huổi Pó, rồi tranh thủ sớm tối gùi nước về đổ vào chum để dùng dần… Trung tá Nguyễn Văn Toan cho biết, khoảng đầu năm 2006, nhiều lần thâm nhập địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chứng kiến dân bản Nà Càng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cái gì cũng thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, Ðội Sản xuất số 2 đã kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cho di chuyển hơn 40 hộ dân từ sườn Pa Thoóng ra vị trí hiện nay. Thực hiện chủ trương nêu trên, ban đầu, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động người dân, nhất là những người già trong bản, bởi từ bao đời nay, họ đã gắn bó với mảnh đất do cha ông để lại. Trước thực tế như vậy, Ban Chỉ huy Ðội đã tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục, phân tích cho bà con về những thuận lợi khi di chuyển đến bản mới. Sau nhiều lần "bám dân, bám bản" vận động, thuyết phục, người dân dần hiểu ra, tin tưởng bộ đội và đã chuyển về nơi ở mới. Thực hiện đúng lời hứa, chỉ một thời gian ngắn, sau khi người dân đến định cư tại đây, bằng nguồn vốn đầu tư của Bộ Quốc phòng, Ðoàn KT-QP 326 đã khẩn trương khảo sát, thiết kế và triển khai thi công đường ống dài 2,5 km kéo nước sạch từ đỉnh Huổi Pó, thuộc bản Huổi Pó, xã Mường Và về thẳng bản Nà Cang. Ðồng thời, tiến hành xây dựng hàng chục bể chứa nước (dung tích 6 m3/bể), các đường ống nhỏ từ các bể dẫn nước về tới từng hộ gia đình, giúp người dân Nà Cang lần đầu được sử dụng nguồn nước sạch mà bao đời nay họ vẫn ao ước. Cùng với đó, đơn vị còn giúp Nà Cang đổ bê-tông kiên cố trục đường nội bộ của bản; xây dựng nhà văn hóa khang trang, để bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng; xây dựng điểm trường tiểu học kiên cố để các cháu đến độ tuổi đi học được đến lớp... Về nơi ở mới, do bản nằm ngay sát đường tỉnh lộ, cho nên việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân Nà Cang gặp rất nhiều thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Theo : nhandan.com.vn