Bộ đội Biên phòng Quảng Nam giúp đồng bào vùng biên đẩy lùi nghèo khó

Thu gom được hơn nửa tấn cây dược liệu gồm ba kích tím và đẳng sâm của đồng bào Cơ Tu ở thôn Ariêu, xã biên giới Tr’hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam), ông Bhling Choong đưa lên xe vận chuyển về xã Atiêng - trung tâm của huyện để bán cho các thương lái đến từ các thành phố Tam Kỳ, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện đang vào mùa thu hoạch, mỗi kg đẳng sâm được ông Bhling Choong thu mua tại nhà với giá từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng, mỗi kg ba kích tím có giá từ 250.000 đồng đến 270.000 đồng.

Nhiều năm thu mua dược liệu ở huyện miền núi Tây Giang, ông Bhling Choong cho biết, ở các xã biên giới, có hàng chục gia đình mỗi năm có thu nhập trên 50 triệu đồng nhờ cây này. “Chỉ trừ các tháng mưa lũ lớn, mỗi năm các loại cây dược liệu ở đây cho thu hoạch từ 6 - 7 tháng. Bà con thu hoạch được bao nhiêu, chúng tôi mua hết bấy nhiêu, giá cả đôi bên thỏa thuận. Cây đẳng sâm và ba kích tím phù hợp với đất đai, khí hậu ở vùng biên giới. Chừng 5 năm trở lại đây, bà con còn được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên phát triển rất tốt, sau ba năm là cho thu hoạch”, ông Bhling Choong nói.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan cho biết, Đồn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 19 km, thuộc địa bàn 2 xã Axan, Tr’hy, huyện Tây Giang, tiếp giáp với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính trị của đơn vị là duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn phối hợp với cơ quan Quân sự, Công an địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ an toàn, nguyên trạng đường biên, mốc quốc giới, biển báo; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam, các văn bản quy định chi tiết để đồng bào vùng biên nắm rõ, thực hiện.

Nhờ vậy đồng bào ở vùng biên giới này luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mối quan hệ thân tộc, dòng họ hai bên biên giới được duy trì và phát triển; hoạt động xâm canh, xâm cư dai dẳng đã không còn xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm quy chế khu vực biên giới như lưu trú, đi lại không đúng quy định, qua lại biên giới không làm thủ tục xuất, nhập cảnh, những hạn chế này sẽ tiếp tục được khắc phục trong năm nay.

Cùng với việc giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế vườn rừng, hiện nay Đồn Biên phòng A Xan đang nuôi dưỡng, đỡ đầu 28 trẻ (vượt chỉ tiêu 4 em), có em mồ côi cả cha, lẫn mẹ. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Đồn đã phối hợp với Hội Phụ nữ tặng 3 ngôi nhà cho hội viên phụ nữ; trực tiếp vận động hỗ trợ 2.000 suất quà trị giá 1,2 tỷ đồng. Trạm Quân - Dân y kết hợp Axan đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân vùng biên. Năm 2023, có hơn 6.000 lượt bà con đến Trạm khám, chữa bệnh. Đặc biệt, việc sinh đẻ cơ bản được chăm sóc tại Trạm, chỉ những ca sinh non dưới 2 kg mới chuyển lên tuyến trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan tự tin nói.

Theo Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam: Tỉnh có trên 157 km đường biên giới tiếp giáp với 2 huyện Đăk Chưng và Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính trị của mình, cán bộ, chiến sỹ luôn đồng hành, thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giúp dân dọc tuyến biên giới phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã đỡ đầu cho 225 trẻ là con em đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường”, trong đó có 23 trẻ là con nuôi của Bộ đội Biên phòng.

Tiêu biểu như trong việc khuyến khích đồng bào trồng các cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích tím, sau khi bà con nhận cây giống về, các Đồn Biên phòng khu vực biên giới cử cán bộ, chiến sỹ đến từng cụm dân cư để phối hợp các ngành chức năng của địa phương hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, trồng, hỗ trợ lương thực để trồng và chăm sóc cây dưới tán lá rừng. Với cách làm này, các đơn vị Biên phòng trên toàn tuyến biên giới huyện Tây Giang đã góp phần giúp đồng bào trồng được trên 1.000 ha cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào ở vùng biên.

Chủ tịch UBND huyện vùng cao Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cho biết, huyện có 10 xã, trong đó có 8 xã vùng biên giới giáp với huyện Kạ Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Hiện, 8 xã vùng biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm, 62/63 thôn có đường ô tô, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt gần 73%, là điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu dưới tán lá rừng. Huyện đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2030, Tây Giang nằm trong nhóm phát triển của các huyện miền núi Quảng Nam”. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng huy động tối đa, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sinh kế, xóa nghèo bền vững cho đồng bào.

Với đặc thù của huyện miền núi, cùng với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Tây Giang đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Địa phương đẩy mạnh chương trình giãn dân, lập vườn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, giảm nghèo bền vững cho đồng bào, nhất là đồng bào ở khu vực các xã biên giới, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.

“Trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các dân tộc huyện Tây Giang luôn có sự đồng hành và tiếp sức kịp thời và có hiệu quả của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng. Các anh không chỉ là chỗ dựa vững vàng mà còn là lực lượng đi đầu trong nỗ lực đẩy lùi nghèo khó cho đồng bào nơi biên cương”, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm chia sẻ.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm