Bộ đội Biên phòng "4 cùng” với nhân dân (Bài 2)

Bài 2: Giữ vững ổn định khu vực "phên dậu"

Kịp thời giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở, giữ vững ổn định an ninh trật tự ở địa bàn khu vực biên giới, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới - Đây là nhấn mạnh của Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng với phóng viên TTXVN khi trao đổi về giải pháp nhằm ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, kích động đồng bào thiểu số ở khu vực biên giới, nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024).

PhungQuocTuan.jpg
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng. Ảnh: bienphong.com.vn

* Thưa Thiếu tướng, trên khu vực biên giới, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kích động nhân dân gây mất đoàn kết giữa các dân tộc. Thiếu tướng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương luôn dành sự quan tâm đặc biệt và có các cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới. Do đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới ngày càng được nâng cao, quần chúng nhân dân khu vực biên giới luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước.

Tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa, sát biên giới, các thế lực thù địch, phản động vẫn triệt để lợi dụng đời sống của đồng bào còn khó khăn, nhận thức không đồng đều, mối quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới để tìm mọi cách tuyên truyền các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với cấp ủy chính quyền địa phương, giữa các dân tộc, giữa người có tôn giáo và không theo tôn giáo... tạo “điểm nóng” về chính trị ở khu vực biên giới.

Trước tình hình đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả trong phòng, chống các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kịp thời giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở, giữ vững ổn định an ninh trật tự ở địa bàn khu vực biên giới, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội.

* Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về thủ đoạn, nội dung mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng chống phá ở khu vực biên giới?

- Hiện nay, khu vực biên giới nổi lên một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng. Điển hình là triệt để lợi dụng không gian mạng để làm phương tiện tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, đòi “ly khai, tự trị”, tập hợp lực lượng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiến hành các cuộc biểu tình, bạo loạn, đòi thành lập “Nhà nước” hoặc “Khu tự trị” riêng, thông qua đó gây mất ổn định chính trị ở các địa bàn khu vực biên giới.

Các thế lực thù địch, phản động cũng thu thập tài liệu “đã xử lý, cắt ghép” gửi ra nước ngoài để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật vấn đề dân tộc, tôn giáo ở trong nước. Chúng chỉ đạo, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số ở trong nước xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bồi dưỡng, đào tạo xây dựng cốt cán, sau đó xâm nhập bí mật về nước hoạt động.

Các thế lực thù địch, phản động còn tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện chủ trương “tôn giáo hóa” đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, triệt để lợi dụng những tồn tại trong thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta để tác động, lôi kéo, phát triển lực lượng, tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh. Chúng kích động đồng bào dân tộc thiểu số chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tụ tập biểu tình gây rối an ninh trật tự khu vực biên giới.

Một thủ đoạn thâm độc nữa của chúng là câu kết, liên hệ chặt chẽ với các đối tượng trong nước, địa bàn người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tuyển lựa người, trong đó tập trung vào số đối tượng có tư tưởng bất mãn, cơ hội chống đối, để đưa ra nước ngoài huấn luyện nhằm “từng bước” hình thành lực lượng chống đối từ “bên trong”. Chúng kích động tổ chức các hoạt động phá hoại, khủng bố nhằm gây tiếng vang, từ đó kêu gọi hỗ trợ về tài chính, vũ khí và hậu thuẫn từ các thế lực thù địch, phản động có quan điểm tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thiếu thiện cảm với Việt Nam.

vna_potal_don_bien_phong_dao_san_lam_tot_cong_tac_dan_van_vung_bien____7086054.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Dào San (xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu) vận động người dân tham gia phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

* Vậy, Bộ đội Biên phòng có những giải pháp nào trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thưa Thiếu tướng?

- Để thực hiện tốt các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp đó là chủ động nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình “từ sớm, từ xa” liên quan đến các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động. Làm tốt công tác tham mưu chiến lược đối với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xử lý những vấn đề liên quan tới biên giới, lãnh thổ, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ở khu vực biên giới, không để bị động bất ngờ.

Giải pháp nữa là thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường xã để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, duy trì và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, nhất là tại những địa bàn phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng”, nghĩa là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, nhất là thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027". Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 35 các cấp Bộ đội Biên phòng trong tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; gắn với tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch để quần chúng nhân dân hiểu rõ và nâng cao cảnh giác, không nghe và tin theo luận điệu sai trái của chúng.

Một giải pháp quan trọng nữa là tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.... Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình giúp dân của Bộ đội Biên phòng đã và đang thực hiện ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực trí thức để phát triển lâu dài, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; kiểm soát người, phương tiện ra, vào hoạt động tại khu vực biên giới, cửa khẩu, kịp thời xác lập chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ để đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, đối tượng đưa người dân tộc thiểu số vượt biên ra nước ngoài tham gia các tổ chức bất hợp pháp, các tổ chức phản động; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động ở khu vực biên giới.

* Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng! (Hết)

Hạnh Quỳnh (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm