Bình yên nơi biên cương Tổ quốc

Lạng Sơn - vùng biên cương nơi địa đầu đất nước, dải đất thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt, cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc. Các con đường mới mở nối dài đến từng thôn, xóm, những ngôi nhà khang trang giữa trùng điệp núi non. Nhìn màu xanh bình yên trên các huyện biên giới Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc, thấy rưng rưng những hồi ức, những suy nghĩ, những biết ơn, trả nghĩa những người đã xông pha nơi tiền tuyến, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong những ngày tháng Hai lịch sử cách đây 45 năm trước…

Cao điểm 424 thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đứng ở cao điểm 424 có thể quan sát toàn bộ Cửa khẩu Chi Ma và khu vực biên giới xung quanh đó nên cao điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự. Chính vì vậy, tháng 2/1979, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 xảy ra, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, không ít quân và dân ta đã hy sinh hoặc gửi lại một phần xương máu ngay tại mảnh đất này.

vna_potal_lang_son_chuong_trinh_thang_3_bien_gioi_bien_cuong_to_quoc_toi___6623708.jpg
Đại diện các đơn vị thanh gia chương trình khánh thành đường lên mốc quốc giới thuộc phạm vi Đồn biên phòng Tân Thanh phụ trách. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Nhớ lại thời điểm đó, ông Hoàng Văn Phỏ (64 tuổi, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình), người dân tộc Nùng kể, từ cuối năm 1978, quân xâm lược đã có nhiều hoạt động đánh phá, tập kích vào khu vực biên giới Lộc Bình. Thậm chí, vào đầu năm 1979, chúng còn tổ chức phục kích dân quân, lực lượng Công an nhân dân vũ trang của ta. Rồi sáng 17/2/1979, quân địch nã pháo kích dữ dội xuống cao điểm 424 và xã Yên Khoái. Nghe tiếng pháo nổ ầm ầm như sấm, cả gia đình ông lấy vội quần áo rồi cùng hầu hết người dân trong xã sơ tán về phía sau. Riêng ông Phỏ cùng thanh niên trong xã dũng cảm ở lại cùng lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch.

“Bộ đội ta kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tại cao điểm 424, chỉ với 15 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ chốt đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Nhưng địch đông, ta ít, vũ khí dần cạn kiệt nên 11 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh”, ông Hoàng Văn Phỏ nhớ lại.

Nhắc về những ngày tháng Hai năm 1979, Đại tá Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Triệu Quang Điện bồi hồi cho hay, khi ấy, ông mới 19 tuổi và trong biên chế Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ bảo vệ thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. Sáng 17/2/1979, quân địch tấn công vào các điểm cao của thị trấn. Đơn vị của ông đã đưa nhân dân sơ tán và tổ chức ngăn chặn quân xâm lược tiến về thị xã Lạng Sơn. Sau khi quân xâm lược ngừng pháo kích, bộ binh địch tiến vào.

vna_potal_le_thap_nen_tri_an_tai_nghia_trang_liet_sy_thanh_pho_lang_son_6852277.jpg
Đoàn Thanh niên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thắp nến trên các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

“Tôi và đồng đội được lệnh đánh chặn, phối hợp với đặc công. Khi chúng còn cách 150m, chúng tôi được lệnh nổ súng. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tiêu diệt gần 30 tên”, ông Triệu Quang Điện nhớ lại.

Những ngày đầu cuộc chiến, nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài Đồng Đăng, đơn vị của ông Triệu Quang Điện và quân, dân ta đã đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch. Tuy nhiên, với thế áp đảo về quân số và vũ khí trang bị, quân địch đã vượt qua tuyến phòng thủ này, tiếp cận pháo đài và đặt thuốc nổ đánh sập cửa vào hầm ngầm. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại tại pháo đài Đồng Đăng.

Hôm 17/2/1979, đạn pháo của quân xâm lược không chỉ dội vào Lộc Bình, Đồng Đăng, Lạng Sơn, mà còn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, suốt một dải 1.200 km từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh. Nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân, dân ta. Bị thiệt hại nặng nề, lại nhận thấy các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ Tây Nam đã cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược, đối phương buộc phải chấp nhận thất bại cay đắng và tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979.

45 năm đã trôi qua kể từ ngày 17/2/1979. Cuộc chiến đã lùi xa. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, vượt qua nhiều thách thức, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được các nhà lãnh đạo tiền bối dày công xây dựng, vun đắp, đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Tại Lạng Sơn - cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc, năm xưa “mưa bom bão đạn”, nay đã bình yên và đang trên đường phát triển. Các cung đường tuần tra biên giới được đổ bê tông phẳng lỳ, uốn lượn qua những đồi thông xanh mát qua xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia (huyện Lộc Bình) tới Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập). Hai bên đường, rừng thông phủ xanh vùng đồi núi trập trùng. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều, thay cho những ngôi nhà ngói cũ, nhỏ hẹp trước đây. Đường bê tông đã vươn tới những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh, thay cho con đường đất bùn lầy mỗi khi mưa xuống trước đây. Các thôn, bản đều có trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, đường giao thông và công trình thủy lợi, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế. Diện mạo của vùng biên thay đổi hoàn toàn so với hồi 45 năm về trước.

vna_potal_khanh_thanh_cau_dan_sinh_thon_tong_cut_xa_bac_thuy_chi_lang_lang_son_6629274.jpg
Công trình cầu dân sinh thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lặng . Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất chôn rau, cắt rốn là bà Nguyễn Thị Hương, một nhân chứng của ngày 17/2 hồi 45 năm trước và cũng là người chịu cảnh thương tật do dẫm phải bom, mìn còn sót lại ở cao điểm 424. Chia sẻ về sức sống mới ở vùng biên cương của Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Hương nói rằng, sau khi đất nước mở cửa hội nhập, vùng biên viễn này đã dần hồi sinh, khởi sắc. Là nơi giáp biên giới, nằm trên địa bàn có cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm, cho nên từ khi có sự giao thương giữa hai nước, đời sống người dân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình không ngừng được nâng cao.

“Như đầu những năm 1990, mới có vài chục hộ trở lại để sinh sống, bây giờ nơi đây có hàng ngàn hộ dân. Con đường trước nhà tôi ngày nào cũng có xe ô tô chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua lại sôi động biên giới Việt - Trung”, bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ và bộc bạch, rằng: “để biên giới Tổ quốc bất di bất dịch, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là sự hy sinh xương máu của biết bao người con nước Việt”.

vna_potal_lang_son_khanh_thanh_duong_nhanh_len_coc_moc_bien_gioi_7076222.jpg
Công trình đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới 1226/2 và mốc 1231 thuộc địa bàn xã Yên Khoái và xã Tú Mịch (huyện Lộc Bình) có tổng chiều dài 330m, kinh phí đầu tư xây dựng trên 170,5 triệu đồng. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Cảm nhận của bà Hương cũng là tâm tư chung của những người dân huyện Lộc Bình, Lạng Sơn nói chung và của những người đã xông pha nơi tiền tuyến, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc hồi 45 năm trước. Nhìn hành trình đi lên của đất nước mấy chục năm qua, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, người tham gia chiến đấu trực tiếp ở biên giới phía Bắc trong giai đoạn 1979 -1989 từng khẳng định: Sau những năm tháng ác liệt, ngày 13/3/1989, đối phương bắt đầu rút khỏi các vị trí chiếm đóng trên biên giới phía Bắc. Đó chính là ngày chiến thắng của những người con quê hương đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì khát vọng hòa bình.

Hiện nay, đường biên giới trên bộ đã được phân định, khẳng định rõ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó cũng cho thấy các quốc gia đều đã nhìn rõ sự cần thiết về một môi trường, một đường biên giới hòa bình, đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm