Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện (Bài 2)

Những con đường nông thôn mới nâng cao khang trang trên địa bàn huyện Đức Linh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Những con đường nông thôn mới nâng cao khang trang trên địa bàn huyện Đức Linh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bài 2: Điểm sáng Đức Linh

Nằm ở ranh giới vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, huyện miền núi Đức Linh là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận. Nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là làm cho diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn, đời sống người dân được nâng cao, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng người dân nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, đưa Đức Linh trở thành huyện đất liền đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện (Bài 2)  ảnh 1Những con đường nông thôn mới nâng cao khang trang trên địa bàn huyện Đức Linh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Chung sức, đồng lòng

Đến huyện nông thôn mới Đức Linh trong cái nắng của mùa khô Nam Trung Bộ, nhiều con đường nở hoa rực rỡ, tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như ruộng trồng khoai lang Nhật ruột vàng đang lên xanh tươi, những vườn rau thủy canh thích ứng với biến đổi khí hậu đã đến ngày thu hái. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn bước phát triển của một huyện nông thôn mới đang tiếp tục phấn đấu, sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Được biết, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đức Linh còn rất nhiều khó khăn. Nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu. Tỉ lệ hộ nghèo là gần 12%, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,45 tiêu chí trong số 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.

Trước thực tế đó, huyện xác định, muốn xây dựng nông thôn mới thành công, việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân để cùng chung tay thực hiện là rất quan trọng. Huyện xuất phát từ những thế mạnh của địa phương, đặc thù từng xã, ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí phù hợp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, đổi thay bộ mặt nông thôn. Quan trọng hơn, trong quá trình thực hiện, việc phát huy dân chủ là rất cần thiết, tất cả đều được công khai bàn bạc và thống nhất với người dân trước khi triển khai từng phần việc, công trình. Quá trình thực hiện luôn có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo các công trình người dân đều được thông tin, bàn bạc, thống nhất và kiểm tra, giám sát nghiêm túc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tú: Kết cấu hạ tầng được tập trung phát triển mạnh đã cơ bản đáp ứng khá tốt yêu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Toàn huyện có trên 840 km đường giao thông do huyện quản lý, 10/10 xã đã sớm đạt chuẩn tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trên địa bàn huyện còn có 24 công trình thủy lợi, đáp ứng tưới cho 95% diện tích đất trồng lúa. Hệ thống lưới điện được thiết kế đảm bảo theo quy định của ngành điện 100% xã sử dụng điện lưới quốc gia.

Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện (Bài 2)  ảnh 2Mô hình trồng rau thủy canh thích ứng biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát, huyện Đức Linh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được Đức Linh xem là nội dung trọng yếu, quyết định sự phát triển bền vững của xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi, các ngành nghề có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Đặc biệt, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng xã, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo quy trình đồng bộ, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Năm 2021, thời điểm Đức Linh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 45,4 triệu đồng người/năm, tăng gần 30 triệu đồng với năm 2011- bắt đầu xây dựng nông thôn mới.

Là một trong những xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Đức Linh, xã Vũ Hòa đang trong hành trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa Trần Ngọc Hà thông tin, trước đây người dân Vũ Hòa nói riêng, Đức Linh nói chung đời sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh. Nhờ phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như trồng khoai lang Nhật ruột vàng, trồng rau sạch, chăm sóc và khai thác cây cao su gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà giống bố mẹ, tạo thuận lợi cho các mô hình kinh tế tập thể phát triển, mức sống người dân Vũ Hòa đã được cải thiện đáng kể. Năm 2013 thu nhập bình quân của người dân trong xã mới đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm thì nay đã đạt 49,4 triệu đồng/người/ năm.

Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát ở xã Vũ Hòa chia sẻ: Là một người dân ở địa phương, chị hiểu xây dựng nông thôn mới là vì chính người dân. Đời sống mỗi người được nâng lên thì thôn, xóm cũng sẽ giàu đẹp hơn. Khởi nghiệp kinh doanh bằng mô hình trồng rau thủy canh thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục được những bất lợi của thời tiết, rau cho hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm rau của hợp tác xã do chị làm giám đốc luôn có “đầu ra” ổn định, đạt doanh thu trên 350 triệu đồng mỗi năm.

Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện (Bài 2)  ảnh 3Mô hình trồng rau thủy canh thích ứng biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát, huyện Đức Linh mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Phấn đấu sớm về đích nông thôn mới nâng cao

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, huyện miền núi Đức Linh đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII đã có Nghị quyết chuyên để về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025.

Theo Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy: Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Đức Linh là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn Đức Linh trở thành nơi đáng sống. Huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đức Linh phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, Đức Linh đang đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” nhằm huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng văn minh đô thị. Đồng thời, Đức Linh huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các tỉnh, vùng lận cận; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề ở khu vực nông thôn và ngành dịch vụ.

Huyện miền núi Đức Linh tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn góp vốn bằng đất, cho thuê đất hoặc cùng thực hiện số hóa thửa đất, dồn điền đổi thửa và cải tạo đồng ruộng để hình thành những diện tích ruộng lúa đủ lớn nhằm thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển sang hình thức hợp tác, liên kết chia sẻ trong sản xuất tiến đến sản xuất liên kết theo chuỗi. Trong đó, Đức Linh khai thác và sử dụng linh hoạt hiệu quả 8.600 ha đất chuyên lúa để phát huy lợi thế điều kiện thủy lợi, bố trí vùng lúa chất lượng cao gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị doanh thu trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân. (Xem tiếp Bài 3: Chất lượng nông thôn mới đi vào chiều sâu)  

Trà – Thanh – Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm