Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, bước vào năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc Phổ thông. Năm học này, ngành quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, năm học 2022- 2023, ngành Giáo dục tập trung thực hiện 13 nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm mỗi địa phương, xã, phường, thị trấn đều có quy hoạch chi tiết và dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục Mầm non phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường. Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025; đảm bảo cơ sở vật chất tại các trường theo lộ trình chuyển đổi sang học 2 buổi/ngày đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2022-2023, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận hành, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức, quản lý, giải quyết tốt chế độ, chính sách để đội ngũ an tâm công tác, đáp ứng quá trình đổi mới giáo dục.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp tích cực, thường xuyên tổ chức kiểm tra, vận động học sinh bỏ học ra lớp. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, việc đến trường học trực tiếp của học sinh bị gián đoạn nhiều lần, phải học theo hình thức trực tuyến nên tỷ lệ học sinh có học lực yếu kém nghỉ học tăng. Theo thống kê, tổng số học sinh bỏ học trong năm học 2021-2022 là 918 học sinh (chiếm 0,39% tổng số học sinh toàn tỉnh), tăng 141 em so với năm học 2020- 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh có học lực yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị, trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tỉnh cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhất là khi đã xác định được nguyên nhân chính khiến số em bỏ học gia tăng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Khuyến học để vận động nhà tài trợ hỗ trợ kịp thời học bổng, quần áo, sách vở, xe đạp… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, dân tộc thiểu số, không để các em phải bỏ học. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với đoàn thể, địa phương tích cực vận động học sinh bỏ học quay lại trường, lớp, đảm bảo duy trì sĩ số; tiếp tục thực hiện các giải pháp về nâng cao, đổi mới chất lượng dạy và học, đội ngũ giáo viên gương mẫu, gần gũi để nắm bắt tâm tư, giúp học sinh tiến bộ.
Hồng Hiếu