Bình Thuận tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả

Bình Thuận tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả
Chị Hồ Thị Trúc,, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận đầu tư vốn trồng 7 ha thanh long, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 280 tấn quả thanh long, trừ chi phí còn thu lãi hơn 2,2 tỷ đồng. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Chị Hồ Thị Trúc,, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận đầu tư vốn trồng 7 ha thanh long, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 280 tấn quả thanh long, trừ chi phí còn thu lãi hơn 2,2 tỷ đồng. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được tỉnh triển khai tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng trong 10 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.200 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày như: bắp, đậu, cỏ chăn nuôi… Các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa cho năng suất, hiệu quả cao đồng thời khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn. Chất lượng cây thanh long tiếp tục được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có gần 8.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,  sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật từng bước góp phần nâng cao chất lượng trái thanh long. Từ đó, thị trường xuất khẩu thanh long cũng chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Chi Lê, Australia... Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bình Thuận tập trung chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 42 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đi vào hoạt động. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án chăn nuôi có quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng như: dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao và chế biến sữa bò tại huyện Bắc Bình; dự án nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC trang trại tại huyện Tuy Phong… Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp được thực hiện gắn với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Trong năm 2017, diện tích trồng rừng sản xuất đạt 2.700 ha, tăng 1,58% so với năm 2013. Thực hiện tái cơ cấu với nhiệm vụ nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến đồng thời phát triển khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, ngành thủy sản tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như: không cho phát triển tàu cá dưới 30CV, kiểm soát chặt chẽ nghề lưới kéo (giã cào), quản lý chặt đúng tuyến khai thác… Thông qua các chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản, khai thác xa bờ tiếp tục chuyển biến mạnh, số tàu cá công suất lớn liên tục tăng. Sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế, phát triển theo hướng giảm các cơ sở nhỏ lẻ, phát triển các cơ sở lớn, hiện đại. Năm 2017, sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ khoảng 21 tỷ post, tăng 16% so với năm 2013. Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Hiện tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với diện tích 2.000 ha, dự kiến phát triển các loại cây trồng cạn có giá trị, thích nghi khô hạn như nhóm rau các loại, gia vị (hành, tỏi), cây dược liệu (lô hội, đinh lăng), cây lương thực và một số cây ăn trái nhiệt đới tưới ít nước… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ nay đến năm 2020, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống thủy lợi đồng thời đẩy mạnh đào tào nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Để việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Bình Thuận triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng, con nuôi lợi thế của tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGap, Global Gap trong sản xuất nông nghiệp.
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm