Những ngày gần đây, mưa lớn ở vùng thượng nguồn đã khiến nước lũ tràn về, kết hợp một số hồ thủy lợi trên địa bàn xả tràn, gây ngập úng nhiều nhà cửa, cây trồng, cuốn trôi gia súc, gia cầm của người dân ở một số xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, từ ngày 7/10 đến ngày 17/10, do mưa lớn, lốc xoáy kèm theo hồ Sông Quao và hồ Sông Khán xả tràn liên tục đã làm ngập nhiều nhà dân và diện tích sản xuất nông nghiệp tại huyện.
Theo thống kê sơ bộ, đến 16 giờ ngày 17/10, toàn huyện có hơn 920 ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó có 415 ha lúa, 145 ha thanh long và 360 ha rau màu...; trong đó, nhiều diện tích cây trồng ngã rạp, thiệt hại hoàn toàn. Ngoài cây trồng, nước lũ còn cuốn trôi nhiều gia cầm, gia súc và một số tài sản khác của người dân. Mưa lũ cũng làm ngập 122 căn nhà, trong đó hơn 20 căn bị ngập sâu, buộc người dân phải di dời. Các xã bị ảnh hưởng gồm: Hàm Trí, Ma Lâm, Hàm Chính, Hàm Thắng, Thuận Hòa…
Ngay khi thiên tai xảy ra, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân triển khai các biện pháp khắc phục; tổ chức di dời, sơ tán người, tài sản ở những vùng trũng thấp, ngập sâu, hoặc có khả năng ngập sâu, bị lũ chia cắt đến nơi tránh trú an toàn.
Đặc biệt, trong đêm 16/10, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị di dời 21 hộ với 69 người tại xã Hàm Trí đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo các đơn vị, địa phương lắp đặt các biển cảnh báo lũ, nước sâu, nguy hiểm tại các khu vực thiếu an toàn để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Nhận định tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, các hồ thủy lợi Sông Quao, Sông Khán sẽ tăng lưu lượng xả tràn (sau 14 giờ ngày 17/10), để tránh thiệt hại cho người dân vùng bị ảnh hưởng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, kịp thời thông báo đến người dân sinh sống dọc ven tuyến xả lũ và cửa sông biết để chủ động có phương án phòng tránh, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Cùng với đó, các xã, thị trấn triển khai việc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn; tiến hành cắm biển cảnh báo tại các khu vực cầu, cống, tràn qua sông và cấm người dân lội qua suối khi các hồ chứa xả lũ vận hành điều tiết nước; kiểm tra, chủ động thu hoạch nông sản đã đến kỳ thu hoạch, không chăn thả gia súc, gia cầm dọc ven suối.
Hồng Hiếu