Bình Thuận: Người dân tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Sau những ngày mưa lũ, nước ngập trong các khu vực nhà ở, vườn thanh long của người dân các xã Hàm Mỹ, Hàm Cường ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) bắt đầu rút. Người dân tại đây đang bắt tay vào khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống và sản xuất.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565366.jpg
Một khu vực trũng sâu còn ngập nhưng người dân đã tranh thủ lội nước tỉa nhánh để cứu từng gốc thanh long. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo người dân tại xã Hàm Mỹ, khoảng 8 giờ tối 29/8, nước rút ra khỏi nhà, người dân huy động tất cả thành viên hối hả dọn sạch bùn non, tẩy rửa cát đất. Đến sáng 30/8, tranh thủ trời hửng nắng, người dân tiếp tục sắp xếp đồ đạc, giặt giũ phơi khô quần áo và sửa chữa xe cộ bị ngập,

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565377.jpg
Người dân phải chặt bỏ trái thanh long, vì khi trái thanh long đang tăng trưởng và chờ chín nếu bị ngập nước sẽ bị teo và rỗng ruột hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nhật, xã Hàm Mỹ cho biết: do nước rút chậm nên một số vật dụng ngâm trong nước bị hư hỏng. Trước mắt, gia đình lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để ổn định cuộc sống rồi mới tiếp tục khắc phục sản xuất.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565378.jpg
Người dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tranh thủ trời nắng sắp xếp đồ đạc, giặt giũ phơi khô quần áo bị ngập nước. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đến sáng 30/8, phần lớn các vườn thanh long ở xã Hàm Mỹ đã thoát nước. Tuy nhiên vẫn còn một số vùng thấp, trũng nước còn ngập dưới gốc, có nơi còn ngập tới nửa trụ, trong đó có vườn cho trái xanh và trái chín chờ thu hoạch. Đối với các vùng nước đã rút, chủ vườn tiến hành cào rơm, cỏ trong gốc để làm khô thoáng, chống ẩm gốc; đồng thời tiến hành cắt bỏ những trái đã bị ngập nước; làm vệ sinh vườn. Đối với các khu còn ngập, người dân tiến hành khơi thông dòng chảy, đào rãnh, mương để chống úng, thối rễ.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565376.jpg
Công ty Điện lực Bình Thuận cử nhân viên xuống tận vườn thanh long hỗ trợ người dân khắc phục sự cố điện ngay khi nước rút. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Người dân địa phương cho biết, với giá trái thanh long đang ở mức dao động 20.000 đồng/kg như hiện nay thì thiệt hại trong sản xuất thanh long lần này rất lớn. Những vườn đang chờ trái chín mà bị ngập thì thiệt hại gần như toàn bộ, bởi trái thanh long đang lúc tăng trưởng và chờ chín nếu bị ngập nước sẽ bị teo và rỗng ruột. Còn những diện tích vườn bị ngập kéo dài sẽ khiến thối rễ, chết cành.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565371.jpg
Nhiều khu vực ngập sâu tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, nước chưa rút hết nhưng người dân có thể đi lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ông Nguyễn Huy Phong, thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ cho biết, hơn 20 năm nay mới thấy đợt lũ lớn như vậy. Lũ lên nhanh và rút rất chậm khiến người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc sản xuất thanh long. Nhiều người đành “đứt ruột” chặt bỏ trái vì có để lại cũng hư hỏng. Người dân mong muốn chính quyền và các lực lượng chức năng sớm có biện pháp xử lý để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất lâu dài.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565370.jpg
Người dân tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, đưa các xe máy bị ngập nước đi sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Như phóng viên TTXVN đưa tin, trong 2 ngày 27- 28/8, mưa lớn xảy ra trên toàn địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, gây ngập lụt nhiều căn nhà và diện tích trồng cây thanh long, hoa màu của người dân. Theo đó, có 230 căn nhà ở thôn Phú Sơn và thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ bị ngập, trong đó 48 căn nhà bị ngập sâu, phải di dời người và tài sản; một căn nhà bị hư hỏng, tốc mái ở xã Tân Lập. Mưa lũ cũng gây ngập úng 420 ha thanh long và hoa màu ở xã Hàm Mỹ và xã Hàm Cường.

vna_potal_nguoi_dan_binh_thuan_tap_trung_khac_phuc_hau_qua_sau_mua_lu_7565369.jpg
Người dân phải chặt bỏ trái thanh long, vì khi trái thanh long đang tăng trưởng và chờ chín nếu bị ngập nước sẽ bị teo và rỗng ruột hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Sau khi xảy ra ngập lụt, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã triển khai khắc phục hậu quả, huy động lực lượng xung kích cùng với người dân di dời người và tài sản. Hiện nay, khi nước bắt đầu rút, các địa phương tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá, xác định thiệt hại sau thiên tai.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm