Đến chiều 28/8, các đơn vị, lực lượng chức năng huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vẫn khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục hậu quả do mưa lũ; đồng thời đánh giá, thống kê thiệt hại để có báo cáo, kiến nghị hỗ trợ cho người dân.
Do ảnh hưởng mưa lớn những ngày qua, nhất là trận mưa tối 27/8, nhiều diện tích thanh long, đường giao thông và nhà dân ở một số địa phương của huyện Hàm Thuận Nam bị ngập, có nơi ngập sâu.
Theo ghi nhận của phóng viên, xã Hàm Mỹ bị thiệt hại nặng nhất. Thống kê sơ bộ, có khoảng 230 nhà dân ở thôn Phú Sơn và thôn Phú Khánh bị ngập nước, trong đó có 48 hộ ngập sâu. Về nông nghiệp, mưa lũ cũng làm ngập khoảng 400 ha cây thanh long tại xã, trong đó có một số vườn đang cho trái chín. Hiện công tác thống kê, kiểm đếm tiếp tục được thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ Nguyễn Ngọc Nguyện cho biết, ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, cán bộ nông nghiệp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, đội xung kích phòng, chống thiên tai nắm tình hình thiệt hại, hỗ trợ, động viên các hộ dân bị thiệt hại. Đến nay, địa phương đã di dời toàn bộ các hộ nằm trong khu vực bị ngập sâu vào nơi an toàn. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tiếp tục thực hiện khẩn trương.
Về thông tin hồ Đu Đủ xả nước qua tràn gây ngập lụt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, đến thời điểm này, đơn vị chưa tiến hành xả lũ hồ Đu Đủ. Một trong những nguyên nhân xảy ra ngập lụt trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là do mưa lớn khiến lưu vực nước suối Cát tràn qua, gây ngập nặng. Hiện, hồ Đu Đủ đang qua tràn tự do cao 52 cm/lưu lượng khoảng 5m3/giây (tràn thiết kế là 42,8 m3/giây).
Trước đó, ngày 27/8, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận đã có tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn. Do ảnh hưởng của mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, sườn dốc, khu vực ven biển; lũ quét, ngập úng cục bộ tại khu vực ven sông suối trên lưu vực các sông La Ngà, Dinh, Phan và một số sông, suối nhỏ khác. Các công trình, nhà cửa bị ảnh hưởng do mưa lớn, đường ngập, các khu dân cư ven các sông, suối nhỏ, vùng sườn đồi dốc đặc biệt lưu ý. Tác động của mưa lớn có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ảnh hưởng hoa màu, đất sản xuất. Ngập úng ảnh hưởng quá trình di chuyển của các phương tiện giao thông.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương và người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết; đồng thời chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó sự cố, thiên tai xảy ra, nhất là lũ quét và sạt lở.
Hồng Hiếu