Bình Thuận - điểm sáng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Mô hình trồng thanh long trên giàn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Mô hình trồng thanh long trên giàn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực với sự đổi thay nhiều vùng nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ và hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Bình Thuận - điểm sáng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ảnh 1Mô hình trồng thanh long trên giàn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng

Thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được tỉnh triển khai tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, toàn tỉnh đã thực hiện luân canh, chuyển đổi 19.700 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác. Kết quả bước đầu đã tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước tưới. Toàn tỉnh có 53.600 ha đất lúa; năng suất lúa năm 2020 đạt 58,6 tạ/ha, tăng 11,76 tạ/ha so năm 2008. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng nông sản mà đặc biệt là thanh long đã được quan tâm cải thiện; phương thức sản xuất được chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết sản xuất. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.400 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, đạt khoảng 35% diện tích. Việc ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long.

Một trong những địa phương triển khai hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là huyện Tuy Phong. Nếu như trước đây, Tuy Phong được biết đến là nơi đất đai khô cằn với khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp nhất cả nước…, nay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những vùng đất hoang hóa được thay bằng màu xanh cây trái. Người dân đã đưa rất nhiều giống cây về thử nghiệm, trong đó nhiều loại cây đặc sản mang lại hiệu quả trên vùng đất này như: thanh long, nho, xoài, dừa…Vùng đất Tuy Phong đang nổi lên như một điểm nhấn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Nhờ chủ trương đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng. Hiện toàn huyện có 14 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn các trang trại được đầu tư quy mô lớn, mang tính bền vững cao, khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả, tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả trong diện tích hơn 70.000 ha đất nông nghiệp. Nhiều trang trại cho thu nhập trung bình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Điểm nhấn xây dựng nông thôn mới

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng nông thôn ở Bình Thuận đã phát triển tích cực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.

Theo UBND tỉnh thành tựu nổi bật nhất chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là những kết quả về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản. Với tổng nguồn vốn huy động hơn 31.000 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Nổi bật là phong trào làm giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, cứng hóa được 58% tổng chiều dài đường giao thông nông thôn. Phong trào làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng triển khai, đạt kết quả tích cực…

Nếu như năm 2010, Bình Thuận không có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,9%, tăng 9,9% so mục tiêu Nghị quyết đề ra (60%), vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung bộ (45,82% số xã đạt chuẩn). Tỉnh có hai đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện đảo Phú Quý và huyện Đức Linh), hiện đang trình hồ sơ xét, thẩm định 1 đơn vị cấp huyện là thành phố Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện theo yêu cầu và bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Bình Thuận đã tập trung đi sâu vào các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân như: đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 30 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bên cạn đó, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2008 - 2020, toàn tỉnh có 196 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chấp thuận với tổng vốn đầu tư 10.386 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD.

Định hướng chiến lược

Trong giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

Theo đó, Bình Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,8 - 3,3%, năm 2030 đạt 2,5 - 3%; nông thôn đến năm 2025, có 75/93 xã và 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2030, có 93/93 xã và 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Về nông dân, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 2,2 lần so năm 2015, cơ bản xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của tỉnh. Năm 2030, thu nhập bình quân khu vực nông thôn gấp hơn 2 lần so năm 2020, xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), không còn tình trạng tái nghèo và tiếp tục cải thiện rõ mức sống người dân nông thôn của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững. Tỉnh chú trọng rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy trình, thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với cải cách thủ tục hành chính; kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp trong đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện một số chính sách thu hút phát triển nông nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn…

Có thể nói, Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân tỉnh Bình Thuận đồng tình và hưởng ứng. Nghị quyết đã được các cấp ủy và hệ thống chính trị của tỉnh nỗ lực triển khai nghiêm túc, tích cực, đạt được kết quả to lớn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân nông thôn, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Từ đó niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm