Bình Thuận còn 11 công trình hư hỏng cần sửa chữa nâng cấp

Tỉnh Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa nước và hệ thống đập dâng đang hoạt động với tổng dung tích 442 triệu m3, cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 52.400 ha diện tích mỗi năm. Tỉnh đã tu sửa các công trình thủy lợi, song trên địa bàn vẫn còn nhiều công trình thủy lợi như trạm bơm, cống, kênh, đập hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu suất tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong mùa mưa bão năm 2024.

vna_potal_binh_thuan_voi_“diem_sang”_tu_nhung_cong_trinh_thuy_loi_6117896.jpg
Hồ chứa nước Cà Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) là nơi cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố Phan Thiết và phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Báo cáo kết quả kiểm tra hiện trạng của các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho thấy, hiện trên địa bàn có 11 công trình hư hỏng, cần đầu tư sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình. Đó là các công trình: hồ Cà Giây, hồ Cà Giang, hồ Sông Móng, hồ Giếng Cỏ, hồ Bo Bo, hồ Năm Heo, hồ Lâm Trường Sông Dinh, hồ Sông Dinh 3, hồ Suối Đá, hồ Sông Quao và hồ Bà Ký.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, phần lớn công trình nói trên đều được đầu tư trước năm 1990 được công ty tiếp nhận lại ở các địa phương không có hồ sơ, đặt biệt là hồ sơ thu hồi đất; một phần đất hành lang bảo vệ công trình hộ dân canh tác ổn định, có trường hợp đã cấp sổ đỏ cho dân. Do đó rất khó khăn cho việc quản lý và cắm mốc hành lang bảo vệ công trình.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các công trình hồ chứa chưa có trạm đo mưa đầu nguồn và hệ thống cảnh báo lũ hạ du; thiếu chủ động nên khó khăn trong việc dự báo và cảnh báo lũ cho vùng hạ du. Hầu hết các trục tiêu, tuyến xả lũ bị bồi lấp, xói lở, cây cối che phủ; bị người dân xâm lấn làm co hẹp dòng chảy ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Một số hồ chứa xuống cấp nhưng chưa có kế hoạch vốn sửa chữa nâng cấp, làm hạn chế khả năng tích nước.

Qua kiểm tra các công trình, đối với những công trình bị hư hỏng nhỏ mang tính cấp bách, các đơn vị quản lý tiến hành sửa chữa bằng nguồn kinh phí bảo trì để bảo đảm an toàn và duy trì năng lực của công trình. Đối với các hồ chứa cần được nâng cấp với nguồn kinh phí lớn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND tỉnh xét bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp.

Để bảo đảm các công trình vận hành ổn định và an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024 và những năm về sau, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiến nghị các địa phương hỗ trợ công ty ngừng cấp sổ đỏ cho dân trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, từng bước xử lý, di dời các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, đề xuất Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ chứa xuống cấp nhưng chưa có kế hoạch vốn…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm