Nông dân Mỹ Tú trồng rau Tần ô trên bờ bao cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Riêng trong năm 2019, huyện Cù lao Dung đã ban hành kế hoạch chỉ đạo sản xuất, với mục tiêu giảm 1.109 ha mía, đến cuối năm 2019 diện tích mía còn 3.902 ha; trong đó mía nước 2.630 ha, giảm 1.207 ha, vượt kế hoạch chuyển dịch đầu năm đưa ra.
So với diện tích mía năm 2016 có khoảng 6.500 ha thì hiện nay đã giảm rất nhiều với hơn 2.600 ha mía được chuyển sang trồng các cây trái, rau màu và nuôi thủy sản. Hiệu quả bước đầu chuyển dịch là rất khả quan với thu nhập tăng lên cao hơn hẳn so với thu nhập từ trồng mía trước đây.
Trong năm 2020, huyện Cù lao Dung đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng mía. Khoảng 680 ha mía chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn như thay bằng cây nhãn Ido, thanh nhãn, xoài, bưởi, dừa, rau màu khác.
Huyện phối hợp với các đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai các mô hình khuyến nông từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2020 và các nguồn vốn khác; thực hiện hỗ trợ cho các xã, thị trấn đổi mới tổ chức sản xuất, từng bước hình thành vùng trồng tập trung.
Huyện cũng tiếp tục triển khai “Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản”; theo dõi tình hình phát triển cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc và phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để đảm bảo cho người dân chuyển đổi có hiệu quả.
Cùng với mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích trồng mía, ngành nông nghiệp Cù Lao Dung còn đầu tư hỗ trợ nông dân trồng các loại rau màu, đặc biệt là cây đậu nành rau. Hiện nay, đậu nành rau được xem là món ăn nhiều dinh dưỡng, ngành nông nghiệp huyện đã liên hệ với các công ty cung cấp giống chất lượng và thu mua sản phẩm cho bà con nhằm sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, do là địa bàn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nắng hạn, xâm nhập mặn, triều cường dâng cao thường xuyên nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn.
Ông Tuấn cho biết, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã với các doanh nghiệp cũng còn hạn chế; các công ty, doanh nghiệp chưa mặn mà về phát triển vùng nguyên liệu, về liên kết sản xuất tại huyện Cù Lao Dung (nhiều doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng của nước mặn, đường vận chuyển...).
Bên cạnh đó, nguồn lực của huyện còn hạn chế nên việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất cũng chưa được nhiều. Về lâu dài, Cù Lao Dung rất cần tỉnh, trung ương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ người trồng mía và hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khác; xem xét hỗ trợ huyện liên kết, sản xuất tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện với các công ty, doanh nghiệp.
Trung Hiếu