Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với những vùng khô hạn, từ đó mang lại hiệu quả cao trong sản xuất ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh :Phạm Hồng Nhung - TTXVN |
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 3 phương án cụ thể để ứng phó. Phương án thứ nhất là nếu có mưa, đảm bảo nguồn nước tưới, Bình Thuận sẽ gieo trồng 52.000 ha cây lương thực, phấn đấu đạt sản lượng khoảng 317.000 tấn. Phương thứ 2 được giả định là nếu mưa xuất hiện trong cuối tháng 6, toàn tỉnh sẽ cắt giảm một số diện tích sản xuất lúa ở huyện Hàm Thuận Nam, còn các huyện khác vẫn cho sản xuất vụ Hè Thu muộn. Phương án 3 là nếu mưa đến trễ sau 30/6, trên cơ sở tính toán, cân đối nguồn nước và lượng nước tích hiện nay của hồ thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận – Đa Mi, Bình Thuận sẽ ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của nhân dân, nước uống cho đàn gia súc, chỉ bố trí sản xuất ở một số vùng ở khu vực đồng bằng sông La Ngà, các khu vực còn lại tạm dừng sản xuất, tiến hành khâu làm đất, cày ải chờ mưa. Theo kế hoạch sản xuất, khung thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu năm nay sẽ bắt đầu từ 5/4 và kết thúc vào 30/6. Khi xuống giống lúa, các địa phương cần tìm hiểu thông tin tình hình thời tiết, nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí thời vụ phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa bàn. Riêng huyện Đức Linh và Tánh Linh, một số vùng bố trí sản xuất vụ Hè Thu sớm để né lũ thì các địa phương cần tính toán cân đối nguồn nước, thời vụ xuống giống phải tập trung, né rầy. Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới, các địa phương tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến của thời tiết bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng phù hợp với địa phương mình, đến 30/6 là chấm dứt thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 - 150 kg/ha, không gieo dày trên 150 kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng như: tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây lúa, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm… Được biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, Bình Thuận gieo trồng được 30.900 ha; trong đó, cây lương thực khoảng 23.800 ha. Ước sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2019- 2020 đạt 173.000 tấn (đạt 101% kế hoạch). Do ảnh hưởng của hạn hán, toàn tỉnh đã cắt giảm hơn 13.000 ha diện tích không có nước tưới. Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất vụ Đông Xuân, các địa phương đã chuyển đổi 4.820 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác như: bắp, đậu các loại, dưa hấu...
Hồng Hiếu