Anh Nguyễn Hoàng Mỹ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cảnh cho thành viên tổ hợp tác. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN |
Năm 2011, xuất phát từ những hiểu biết và đam mê của bản thân đối với nghề chăm sóc hoa kiểng, anh Nguyễn Hoàng Mỹ đã vận động 7 thanh niên chí thú làm ăn trên địa bàn để thành lập tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng thuê. Sau 6 tháng làm thuê, các thành viên trong tổ nhận thấy nhu cầu cây kiểng trên thị trường còn khá lớn nên bàn bạc, thống nhất trồng những loại cây có giá trị cao để bán. Bên cạnh nguồn vốn tích lũy do chăm sóc hoa kiểng thuê, nhóm đã mạnh dạn vay thêm 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long để mở rộng đầu tư kinh doanh. Đến nay, diện tích cây kiểng của các thành viên trong tổ đã mở rộng được 2 ha, trồng trên 5.000 cây kiểng các loại với nguồn tiêu thụ khá ổn định từ các thị trường hoa kiểng lớn như Cái Mơn (tỉnh Bến Tre), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Nhờ đó mà thu nhập của các thành viên trong tổ từng bước ổn định, hàng năm thu trên 2 tỷ đồng từ các hoạt động.
Anh Mỹ cho biết, hiện nay hoạt động của tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng đã tạo việc làm cho hơn 30 thanh niên địa phương, trong đó có 14 người là lao động thường xuyên. Qua thời gian tham gia, nhiều thanh niên đã có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài, xây dựng nhà cửa khang trang. Anh Đỗ Văn Trí (ngụ xã Tân Long) cho biết, anh đã tham gia tổ hợp tác chăm sóc cây kiểng từ những ngày đầu thành lập. Dù bản thân không có vốn để đầu tư trồng cây kiểng như các thành viên khác nhưng thu nhập từ nghề chăm sóc hoa kiểng cũng đảm bảo được đời sống hàng ngày của gia đình. Anh Trí chia sẻ, trước đây anh theo phụ các ghe bơm cát, thu nhập cũng khá nhưng công việc rất nặng nhọc, lại xa gia đình. Từ ngày anh Mỹ tạo điều kiện để tham gia vào tổ hợp tác, vừa chăm sóc vườn kiểng của anh, vừa cùng các thành viên khác đi chăm sóc kiểng thuê nên thu nhập khá hơn. Bản thân anh cũng đam mê nên quyết định sẽ đeo đuổi nghề chăm sóc kiểng này để ngày càng nâng cao tay nghề, được nhiều khách hàng thuê làm việc, từ đó có thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Anh Nguyễn Hoàng Mỹ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cảnh cho thành viên tổ hợp tác. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN |
Không chỉ phát triển mô hình tổ hợp tác chăm sóc cây kiểng, anh Mỹ còn linh hoạt nắm bắt nhu cầu tại địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ, từ đó tập hợp thanh niên thành lập các tổ hợp tác sản xuất như: tổ chăn nuôi, tổ trồng lúa và sản xuất lúa giống trên cánh đồng mẫu do thanh niên làm nòng cốt. Bên cạnh đó, anh tăng cường học hỏi khoa học kỹ thuật để chuyển giao cho các thành viên tổ hợp tác. Anh Mỹ cho biết, trước nay, vấn đề tập hợp thanh niên nông thôn vào tổ sản xuất luôn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu sự quyết tâm làm giàu. Chính vì thế, khi thành lập tổ hợp tác, điều quan trọng là tìm được những thanh niên có cùng sở thích ở một lĩnh vực, cùng chí thú làm ăn và tận dụng được các nguồn hỗ trợ thì mới duy trì được hiệu quả. Theo anh Mỹ, thời gian tới anh tiếp tục vận động thanh niên để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, tăng thêm ngành nghề đầu tư, tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư đoàn, anh tiếp tục đề xuất thành lập các tổ hợp tác mới, phù hợp với nhu cầu tại địa phương, đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho thanh niên, giúp họ có thêm điều kiện tham gia vào các tổ hợp tác, tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, thời gian qua, các mô hình tổ hợp tác sản xuất trong thanh niên tại xã Tân Long đã phát huy hiệu quả khá tốt và đi vào chiều sâu. Không chỉ tập hợp được một số lượng ổn định thanh niên tham gia vào tổ hợp tác, bản thân anh Nguyễn Hoàng Mỹ cũng nhiệt tình, tâm huyết, thể hiện được vai trò người đứng đầu nên đã duy trì và phát triển được mô hình trong nhiều năm. Thông qua mô hình, không ít thanh niên đã tìm thấy được niềm đam mê, chí thú làm ăn, từ đó theo đuổi hoạt động của tổ, góp phần phát triển kinh tế của bản thân, gia đình. Hiện nay, do việc tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nên định hướng sắp tới, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tiếp tục rà soát lại và tìm các mô hình hiệu quả tương tự như mô hình tổ hợp tác chăm sóc hoa kiểng để đầu tư nhân rộng. Đồng thời, Tỉnh Đoàn sẽ có những điều chỉnh trong quá trình phát triển các mô hình để đảm bảo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, tập hợp được đúng các đối tượng thanh niên chí thú làm ăn, có niềm đam mê làm giàu nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào phát triển kinh tế trong thanh niên.
Lê Thúy Hằng