Anh Hoàng Văn Tài (thứ 2 bên phải sang), dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Phầy đang trao đổi kinh nghiệm dân vận. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Anh Tài cho biết: Cuộc sống của người dân thôn Khuổi Phầy trước đây nhiều khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất đồi, rừng, tư duy sản xuất, chăn nuôi của đồng bào còn hạn chế nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám người dân suốt nhiều năm. Là người sinh ra và lớn lên ở Khuổi Phầy, được dân tín nhiệm bầu làm Phó trưởng thôn rồi Trưởng thôn, sau đó được đảng viên trong Chi bộ bầu làm Bí thư Chi bộ nên anh luôn trăn trở, tìm cách giúp người dân trong thôn từng bước thoát nghèo.
Với trăn trở đó, tận dụng tiềm năng về đất đai, khí hậu mát mẻ phù hợp cho trồng cây chè, năm 2013, cùng với sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật… từ Công ty cổ phần chè Sông Lô, anh Tài đã vận động 1 hộ dân trong thôn cùng gia đình anh đưa giống chè Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên vào trồng thử nghiệm trên diện tích 5ha. Do hợp đất, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình nên cây chè phát triển tốt, giá trị từ cây chè thu về cao hơn gấp mấy lần so với trồng ngô trước đó.
Nhờ vậy năm 2014, khi được anh Tài vận động trồng chè đặc sản, người dân trong thôn Khuổi Phầy đều nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, toàn thôn có 30ha chè đặc sản Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên, với giá trung bình 18.000đ/kg chè tươi, mỗi năm người dân có thể thu về khoảng 5 triệu đồng/ha chè. Bên cạnh đó, anh Tài còn vận động bà con đưa cây lê đặc sản vào trồng trên đất đồi và đưa các loại rau trái vụ vào trồng trên đất ruộng 1 vụ, giúp tăng thu nhập cho người dân trong thôn.
Anh Tài chia sẻ: "Năm 2016, xem qua ti vi thấy nói về các loại cây có thể trồng ở vùng khí hậu lạnh nên tôi nảy ra ý tưởng trồng rau trái vụ trên đất ruộng một vụ. Vì là vùng núi cao nên khí hậu ở Khuổi Phầy quanh năm mát mẻ. Tháng 5/2016, trên diện tích 1.000m2 đất của gia đình mọi năm vẫn trồng lúa, tôi chuyển sang trồng bắp cải và khoai tây. Tôi cũng bất ngờ vì cây rau phát triển tốt, là rau trái vụ nên người dân rất ưa chuộng, rau không đủ để bán. Vụ rau đó, gia đình tôi thu về 4 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa. Qua thử nghiệm thấy hiệu quả nên tôi vận động bà con trong thôn cùng trồng."
Nhờ sự gương mẫu, tâm huyết của anh Tài và sự nỗ lực vươn lên của người dân trong thôn, Khuổi Phầy đã có nhiều thay đổi. Thôn hiện có 41 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi với 30ha chè đặc sản, trên 2,3ha lê, 6,7ha rau, trên 190 con trâu, bò… Thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân trong thôn đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2016 thôn còn 23 hộ nghèo, nay giảm xuống còn 18 hộ…
Anh Hoàng Văn Tài (bên trái), dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Phầy đang trao đổi kinh nghiệm dân vận. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Là hộ mới vươn lên thoát nghèo ở Khuổi Phầy, ông Lý Văn Đình cho biết: Trước đây, kinh tế chủ yếu của gia đình là trồng lúa và trồng ngô, nhưng do không biết cách chăm sóc nên năng suất đều thấp, làm nhiều mà vẫn không đủ ăn. Năm 2013, được anh Tài vận động chuyển đổi giống cây trồng, gia đình anh đã chuyển 4,6ha diện tích đất trồng ngô sang trồng chè đặc sản Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên. Sau 3 năm cây chè cho thu hoạch, hiện nay mỗi năm gia đình ông Đình thu về trên 20 triệu đồng từ cây chè. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè nên năm 2017, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo…
Sinh năm 1982, năm nay 36 tuổi nhưng anh Tài đã có 9 năm tuổi Đảng. Luôn tận tụy và ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với người dân ở Khuổi Phầy nên trong những năm qua, cùng với việc vận động bà con trong thôn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, anh Tài còn tuyên truyền để đồng bào tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Anh Tài đã vận động người dân đóng góp được 58 triệu đồng và trên 500 ngày công lao động để làm nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa lớp học mầm non tại thôn. Đồng thời, anh đã vận động được 10 hộ dân hiến trên 1.000m2 để làm nhà văn hóa thôn và mở đường vào khu sản xuất; 100% hộ dân ủng hộ giải phóng mặt bằng để làm đường liên xã qua địa bàn thôn…
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động người dân, anh Tài cho biết: Muốn vận động được người dân thì bản thân mình phải là người gương mẫu thực hiện trước. Việc nào có lợi cho dân thì phải cố gắng vận động người dân cùng làm, việc nào không có lợi, các thủ tục lạc hậu, cách chăn nuôi, trồng trọt không hiệu quả… thì phải vận động bà con xóa bỏ. Vận động một lần chưa được thì anh vận động nhiều lần. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua.
Thời gian tới, anh Tài sẽ tiếp tục vận động người dân không xây dựng chuồng trại chăn nuôi quá gần nhà để đảm bảo vệ sinh; phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thôn vận động đồng bào xây dựng 3 công trình vệ sinh. Bên cạnh đó, anh sẽ tiếp tục vận động bà con đóng góp, hiến đất để làm chợ và làm đường bê tông nông thôn; tiếp tục phát triển kinh tế để nâng cao đời sống…
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Đức Toàn cho biết: "Đồng chí Hoàng Văn Tài là Bí thư Chi bộ gương mẫu, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, nhờ có sự vận động của đồng chí Tài, người dân ở Khuổi Phầy đã có nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống".
Vũ Quang Đán