Bí thư Chi bộ Chảo Kiếu Mẩy lao động sản xuất tại gia đình. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN |
Chị Chảo Kiếu Mẩy (sinh năm 1966) sinh ra trong một gia đình người Dao đỏ nghèo ở xã Phìn Ngan. Do thôn, bản xa trường học, lại thêm kinh tế khó khăn, phải đến hơn 10 tuổi, Mẩy mới bắt đầu học lớp 1. Thôn chỉ có vài người học hết bậc Tiểu học, chị Mẩy là một trong số đó.
Người dân Sủng Hoảng vẫn gọi sa nhân tím là cây “thoát nghèo” bởi nhiều năm qua, các giống cây mới được đưa về trồng tại đây đều không mang lại hiệu quả. Chỉ đến khi sa nhân tím được chị Mẩy mang về trồng thử nghiệm vào năm 2003 đã mở hướng đi mới cho vùng đất khó này.
Chị Mẩy cho biết: Trước đây, được nghe một vài người bạn ở các xã khác nói chuyện về cây sa nhân tím dễ trồng, mang lại hiệu quả cao. Chị Mẩy bàn với chồng mua sa nhân tím về trồng. Sau một thời gian, cây tỏ rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Nhận thấy vùng đất này thích hợp với loại cây sa nhân tím, gia đình chị quyết định mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sau hơn 10 năm, gia đình chị đã phát triển được trên 3 ha sa nhân tím, đến nay cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Là hộ trồng sa nhân tím đầu tiên trong thôn, chị Mẩy cung cấp giống cây cho những hộ khó khăn, đồng thời tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng sa nhân tím. Mỗi gia đình trong thôn trồng cây sa nhân tím cho thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng/năm. Nhờ trồng cây sa nhân tím, nhiều gia đình trong thôn đã giảm nghèo và thoát nghèo.
Bí thư Chi bộ Chảo Kiếu Mẩy lao động sản xuất tại gia đình. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN |
Không chỉ đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy còn tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Sủng Hoảng hôm nay đã có 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Nhiều em được học hết các bậc học phổ thông và theo học tại các trường chuyên nghiệp. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng biện pháp phòng tránh thai…
Sủng Hoảng không những là thôn xa, khó khăn nhất của xã nghèo Phìn Ngan mà nơi đây còn chịu nhiều thiệt hại bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cơn lũ lịch sử các năm 2004, 2008 và năm 2016. Để ổn định cuộc sống cho người dân sau những ngày mưa lũ, chính quyền địa phương chủ trương di dời người dân đến nơi ở mới. Khu tái định cư của 34 hộ dân Sủng Hoảng 2 cách nơi ở cũ gần chục km. Đi hay ở, đó là quyết định không dễ dàng đối với nhiều gia đình. Vì tất cả ruộng nương, hoa màu, chuồng nuôi nhốt gia súc…của người dân đều ở đây. Tuy nhiên, xác định tính mạng con người là trên hết, cùng với sự tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, Chi bộ Sủng Hoảng dưới sự chỉ đạo của Bí thư Chảo Kiếu Mẩy đã tích cực tuyên truyền người dân chuyển về nơi ở mới. Đồng thời, mỗi Đảng viên trong chi bộ là hộ dân đi đầu trong việc chuyển về nơi ở mới. Bí thư Chi bộ Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy là một trong người đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới.
Đầu tháng 7/2017, chị Mẩy còn được tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Sủng Hoảng. Mặc dù vất vả, bận rộn, vừa lo việc đồng ruộng, việc nhà, chăm sóc gia đình nhưng chị Mẩy luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của một Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.
Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết, đồng chí Chảo Kiếu Mẩy là nữ Bí thư Chi bộ thôn, bản đầu tiên của xã nhưng rất mạnh dạn trong công tác, luôn đề xuất những nội dung, công việc có lợi cho dân, xứng đáng là điểm tựa của người dân vùng rốn lũ Sủng Hoảng. Ngoài ra, gia đình đồng chí Mẩy còn tích cực trong phát triển kinh tế, là tấm gương cho người dân noi theo.
Cao Hương