Ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, có một người phụ nữ Chăm luôn dành trọn tâm huyết cho quê hương - đó là bà Kiều Thị Khuê (59 tuổi, xã An Hải, huyện Ninh Phước). Là một giáo viên nghỉ hưu, bà Khuê vẫn không ngừng cống hiến bằng tình yêu quê hương cháy bỏng và đã trở thành "điểm tựa" tinh thần vững chắc cho cộng đồng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Kiều Thị Khuê cho biết, từng là giáo viên có thâm niên 35 năm giảng dạy tại địa phương, sau khi nghỉ hưu, giữa năm 2022 bà được tập thể đảng viên nơi cư trú tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tuấn Tú. Đồng thời, bà Khuê được cấp ủy, chính quyền và khu dân cư tín nhiệm đề cử làm Người có uy tín tại địa phương.
Trên cương vị mới, bà Khuê tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà nêu gương làm kinh tế giỏi và định hướng cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp cho nhiều hộ đồng bào Chăm thoát nghèo, vươn lên hộ khá giàu.
Để nâng cao đời sống người dân, bà Kiều Thị Khuê đã cùng với Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú không ngừng vận động mọi người mở rộng diện tích trồng loại "rau vua - măng tây xanh" theo mô hình cánh đồng lớn, đưa tổng diện tích loại cây này hiện nay lên 35ha. Bà Khuê cho biết, măng tây không chỉ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của thôn Tuấn Tú mà còn là cây trồng mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu. Từ một vùng đất sa mạc hóa nhưng nhờ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, măng tây xanh đã trở thành cây trồng chủ lực, phủ xanh những vùng đất từng chỉ có xương rồng mọc trước đây.
Nhờ trồng măng tây xanh, gia đình ông Não Văn Xây (thôn Tuấn Tú, xã An Hải) ngày một khấm khá. Ông Xây cho biết, được địa phương hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật và bà Khuê chia sẻ kinh nghiệm trồng, vận động tham gia hợp tác xã, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 2 sào (2.000m2) cây măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất với Hợp tác xã Tuấn Tú. Hằng ngày, ông Xây thu hoạch được 17kg măng tây, bán cho hợp tác xã với giá 50.000 đồng/kg, cho thu nhập 850.000 đồng/ngày. Cây măng tây xanh cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng rồi nghỉ 1 tháng để dưỡng cây, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các cây rau màu khác trên cùng đơn vị diện tích.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển cây măng tây xanh, bà Kiều Thị Khuê còn tích cực vận động các hộ nông dân đa dạng hóa sản xuất, trồng thêm nhiều loại rau màu, lúa, phát triển chăn mô hình nuôi dê, cừu, bò. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, thôn Tuấn Tú đã giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, chỉ còn 10 hộ cận nghèo và 6 hộ nghèo, trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã An Hải, huyện Ninh Phước. Với 547 hộ và 2.350 nhân khẩu, đồng bào Chăm chiếm gần 100%, thôn Tuấn Tú không chỉ là một cộng đồng đoàn kết mà còn là một điển hình trong xây dựng nông thôn mới, được huyện Ninh Phước chọn làm điểm sáng để nhân rộng mô hình.
Là người có uy tín ở địa phương, bà Kiều Thị Khuê tích cực vận động nhân dân hiến đất, công sức xây dựng nông thôn thôn mới. Điển hình như con đường vào vùng sản xuất Bầu Sình nối liền từ thôn Tuấn Tú, xã An Hải đến thôn Thành Tín, xã Phước Hải nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong năm 2023, bà Kiều Thị Khuê đã đứng ra vận động 7 hộ hai bên đường hiến hàng trăm mét vuông đất và huy động kinh phí thuê máy san ủi, lấp đất để mở rộng tuyến đường, giúp người dân thoát khỏi cảnh đi lại khó khăn. Để cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, bà Khuê cùng với cấp ủy Chi bộ, Ban quản lý thôn và các đoàn thể vận động nhân dân đóng góp 455 triệu đồng làm tường rào sân bóng; huy động nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ,lắp đặt 108 bóng đèn chiếu sáng, giúp bà con đi lại thuận lợi vào ban đêm.
Với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà", bà Kiều Thị Khuê đã không quản ngại khó khăn, đi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Nhờ sự tận tâm của bà, 100% hộ gia đình trong thôn đã tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Không chỉ vậy, bà còn là người “truyền lửa” giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, bà Khuê còn là người hòa giải viên đáng tin cậy, giúp người dân giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, khúc mắc, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Khi được hỏi về bí quyết giúp bà thành công trong việc vận động bà con, bà Khuê cười thật tươi: "Chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ cần mình làm thật tâm, thật tình thì mọi người sẽ cảm nhận được thôi. Tôi luôn tâm niệm rằng, muốn người khác làm theo thì trước hết mình phải làm gương. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền. Chi bộ, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, thanh niên thực hiện lồng ghép và đổi mới các hình thức tuyên truyền như thông qua các buổi sinh hoạt, tuyên truyền miệng, mạng xã hội, loa phát thanh... để bà con dễ hiểu và làm theo".
Với bà Khuê, tình yêu quê hương là động lực lớn nhất để bà không ngừng cố gắng, bà bộc bạch: “Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, việc vừa sản xuất, vừa chăm sóc con cháu đã chiếm hết thời gian nhưng khi thấy bà con tin tưởng và kỳ vọng vào mình nhiều như vậy, tôi càng thấy trách nhiệm phải làm thật tốt. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình để quê hương ngày một phát triển”.
Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận nhận xét, bằng những việc làm thiết thực, bà Kiều Thị Khuê đã có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và những người có uy tín như bà Kiều Thị Khuê đã góp phần quan trọng vào việc đưa các chính sách đến gần hơn với người dân, từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với những nỗ lực, đóng góp cho cộng đồng địa phương, bà Kiều Thị Khuê được cấp ủy, chính quyền địa phương tặng nhiều giấy khen. Mới đây, bà Khuê được vinh dự tham gia Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 và được trao Chứng nhận tôn vinh Người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Nguyễn Thành