Chiều 24/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tiễn quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (2.3) lên đường làm nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan. 33/64 cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến 2.3 đi đợt đầu tiên đều bày tỏ vinh dự, tự hào khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, trên chuyến bay vận tải quân sự C17 của Bộ Quốc phòng Australia.
Trung úy Nguyễn Thị Loan chia sẻ, việc tham gia Bệnh viện dã chiến 2.3 không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bản thân mà còn của gia đình khi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Là bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 thuộc Quân đoàn 4, Trung úy Nguyễn Thị Loan khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là việc giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc; đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường ở khu vực đóng quân.
Ngay tại sảnh tiễn cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến 2.3 lên đường làm nhiệm vụ, đôi vợ chồng trẻ Thượng úy Tống Vân Anh (Khoa Sinh sản) và Trung úy Đỗ Thanh Tùng (Khoa Khám bệnh), Bệnh viện Quân y 4 bày tỏ sự tự tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao khi lần đầu tiên tham gia làm nhiệm vụ quốc tế.
Thượng úy Tống Vân Anh cho biết, do chưa có con nhỏ, không vướng bận nhiều về gia đình nên đây sẽ là cơ hội tốt để chị trải nghiệm, tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh; là cơ hội để cống hiến, thực hiện những công việc có ích cho cơ quan, đơn vị, cho Tổ quốc và cộng đồng quốc tế.
Thượng úy Đinh Văn Hồng bày tỏ tự hào vì được làm trong môi trường chuyên nghiệp của quân nhân, tự hào vì từng thực hiện những chuyến bay cấp cứu đưa người bệnh từ ngoài biển khơi về trực tiếp Bệnh viện Quân y 175, nay càng vinh dự hơn khi lãnh đạo đơn vị phân công tham gia và làm Đội trưởng đội cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến 2.3.
Cho rằng đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn hoạt động cấp cứu thường ngày ở trong nước, Thượng úy Đinh Văn Hồng vẫn khẳng định “Là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đứng trước nhiệm vụ mới, việc ưu tiên hàng đầu là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”.
Không gian tại lễ tiễn các quân nhân như càng bồi hồi, xúc động hơn khi những người thân bịn rịn chia tay người thân chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Những cái ôm, siết chặt tay nhau giữa anh chị em, bè bạn, những người thân trong gia đình như động viên con, em nỗ lực, quyết tâm hết mình vì nhiệm vụ, vì quê hương, đất nước.
Tự hào về người chồng đã luôn cố gắng, nỗ lực để tham gia Bệnh viện dã chiến 2.3 thực hiện nhiệm vụ quốc tế, chị Đồng Thị Thúy, vợ Đại úy Hoàng Xuân Trường cho biết, bản thân cũng buồn bởi xa người thân, nhất là phải một mình chăm sóc con cái, tự chăm sóc bản thân khi chuẩn bị sinh con thứ hai nhưng chị và gia đình sẽ cố gắng là hậu phương vững chắc để anh Trường yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ tỉnh Bến Tre, vợ chồng ông Lê Văn Sinh và bà Huỳnh Thị Thủy Tiên lặn lội lên Thành phố Hồ Chí Minh tiễn con gái, Thiếu úy Lê Na lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan. Dặn dò được vài câu, Thiếu úy Lê Na sửa vội cổ áo, khẩu trang của bố mẹ rồi quay vội đi để giấu những giọt nước mắt khi lần đầu tiên rời xa đất mẹ.
Lê Na cho chia sẻ: "Ai cũng muốn làm việc ở gần gia đình, với mình đây sẽ là khoảng thời gian trải nghiệm quý giá mà ít ai có được. Bố mẹ luôn hiểu và ủng hộ quyết định của mình. Tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc là niềm hạnh phúc".
Bùi ngùi nhìn theo bước chân con nhưng bố mẹ của Thiếu úy Lê Na không giấu được niềm vui, tự hào khi đứa con đầu lòng đã trưởng thành, được tham gia vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc trong đội hình Bệnh viện dã chiến 2.3.
“Điều mong mỏi nhất của chúng tôi là con được mạnh khỏe, cùng đồng chí, đồng đội khắc phục những khó khăn, gian khổ để cùng hoàn thành nhiệm vụ”, bố của Thiếu úy Lê Na chia sẻ.
Với Thiếu tá Bùi Thị Xoa, đây là lần thứ hai chị thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Bentiu, Nam Sudan. Chị cho biết, trước đó, chị đã trải qua 14 tháng đối mặt với nhiều dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt nơi đây.
Chuyến đi này là cơ hội để chị truyền lửa cho các bạn trẻ vững thêm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để cùng các bạn trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3, Bệnh viện được thành lập vào tháng 3/2020 với biên chế 70 cán bộ, nhân viên (gồm 64 chính thức và 6 dự bị). Rất cả đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên đã được huấn luyện một số kỹ thuật chuyên môn như: Cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS); huấn luyện cho Đội Cứu trợ đường không (AMET); công tác tiền triển khai; Luật nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến...
Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên còn được huấn luyện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần, kỹ thuật cho lực lương liên quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2.3; diễn tập sa bàn, diễn tập tổng hợp thực địa...
Đợt thứ 2 của Bệnh viện dã chiến cấp 2.3 thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan sẽ xuất quân ngày 21/4/2021./.
Thanh Vũ