Vườn dừa xiêm xanh hơn 600 m2 của ông Hồ Văn Hồng, ấp Phong Quới, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm, Bến Tre). Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, gần đây, diện tích trồng dừa ở các tỉnh đang gia tăng. Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 130.000 ha dừa. Riêng các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long có 120.816 ha, chiếm hơn 90% diện tích dừa Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, liên kết sản xuất trong xây dựng chuỗi giá trị dừa ở các tỉnh bước đầu đã hình thành và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, tại Bến Tre, sau hai năm thực hiện chuỗi giá trị dừa, tỉnh đã hình thành 9 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác, 11 tổ liên kết với quy mô 1.841 ha, thu hút 2.408 thành viên tham gia và được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, các công ty Betrimex, Công ty chế biến dừa Lương Quới, Công ty Á Châu cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật và EU. Đến nay, Bến Tre có hơn 4.137 ha với 2.447 hộ và đại diện nhóm hộ sản xuất trồng dừa chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; trong đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ hơn 2.014 ha. Theo UBND tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất kinh doanh ngành dừa. Các sản phẩm cơm dùa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng hộp, dầu dừa, than gáo dừa… cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho chuỗi giá trị dừa của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng tốt tiến bộ khoa học công nghệ nên các sản phẩm từ dừa không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng, từ đó giá trị mang lại cũng tăng lên. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, trong năm 2018, mặc dù giá dừa giảm mạnh nhưng các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (có liên kết với doanh nghiệp) được áp dụng chính sách giá sàn tối thiểu 50.000 nghìn đồng/chục, đã giúp cho người trồng dừa yên tâm tham gia liên kết và đầu tư phát triển sản xuất. Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ngành dừa ở các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu công lao động, giao thông nông thôn bị trở ngại do đặc điểm vùng sông nước dẫn đến tình trạng quá nhiều khâu trung gian nên thu nhập từ dừa của nông dân chưa cao. Ngoài ra, giá dừa không ổn định và gặp sự canh tranh từ các cây trồng khác có giá trị thu nhập cao hơn dừa là một thách thức cho việc phát triển bền vững ngành dừa, đặc biệt là dừa công nghiệp… Do vậy, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ dừa, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm giúp nông dân từng bước cải thiện và nâng cao được chất lượng cuộc sống để người dân an tâm canh tác và mở rộng sản xuất. Để ngành dừa tăng trưởng ổn định và bền vững, thời gian tới, các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông tập trung triển khai và nhân rộng chuỗi giá trị, liên kết các tỉnh trong vùng, liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ và kỹ thuật, phát triển thị trường… Cùng với đó, tăng cường liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ gắn với sơ chế và tiêu tụ sản phẩm; chia sẻ thông tin thị trường... Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho rằng, cần khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ ở từng hộ gia đình thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng, thu mua, doanh nghiệp chế biến dừa với những hình thức linh hoạt thích hợp. Đồng thời, đẩy mạnh mối liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với các tổ chức liên kết người trồng dừa để phát triển mạnh vườn dừa hữu cơ để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Công Trí