Bến Tre tập trung xây dựng chuỗi giá trị dừa. Ảnh: Trương Công Trí - TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tỉnh chủ động trong việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, với những cách làm hay. Cụ thể, tỉnh đã chủ động trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Về sản xuất, tỉnh đã chuyển đổi rất rõ 3 vùng nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đồng thời, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị. Thời gian tới, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Bến Tre cần bám theo những nội dung của Nghị quyết 120/CP để chỉ đạo triển khai thực hiện sản xuất thích hợp, cần quan tâm biến thách thức thành cơ hội trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Ngoài ra, trong vấn đề quy hoạch sản xuất, tỉnh cần chú ý chuyển đổi cơ cấu phù hợp, đặc biệt là phù hợp với các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai đang được triển khai đầu tư. Thứ trưởng cũng đề nghị Bến Tre tập trung quản lý sau đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án thủy lợi, cấp nước lớn đang đầu tư trên địa bàn, nhằm đảm bảo các dự án được triển khai đúng thời gian. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh cho biết, qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/CP tại Bến Tre, nhận thức của các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng được nâng lên. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ được chú trọng. Tại Bến Tre, bước đầu hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Điều này đã góp phần tác động tích cực đến việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương, khai thác tốt tài nguyên bản địa phục vụ tăng trưởng kinh tế và thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Bến Tre đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực I, tăng tỷ trọng của khu vực II và III. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích; đặc biệt là các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng được nhân rộng. Đến nay, diện tích canh tác lúa của Bến Tre giảm hơn 10.000 ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và đất phi nông nghiệp. Diện tích dừa tăng từ 68.200 ha năm 2015 lên 70.900 ha năm 2018. Diện tích cây ăn trái từ 27.600 lên 28.200 ha. Nhiều tổ hợp tác, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GAP được hình thành với các loại cây ăn trái đặc sản. Cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng số lượng và chất lượng đàn bò, đàn bò sữa tăng nhanh; đàn gia súc và gia cầm được duy trì. Cơ cấu nuôi và khai thác thủy sản chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Để nâng cao năng lực trong việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, từ các nguồn vốn hỗ trợ Trung ương, vốn vay ODA…, Bến Tre đã tập trung triển khai đầu tư các dự án như: Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (vốn Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế - IFAD); hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (giai đoạn 1); hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (Vốn cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA 3), dự án cung cấp nước cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…Đồng thời, tỉnh thường xuyên triển khai công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Bến Tre luôn chủ động hợp tác với các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế-xã hội; tích cực tham gia vào quá trình phát triển và hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, việc thực hiện Nghị quyết 120/CP trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như sản xuất phần lớn còn quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao; sạt lở bờ sông, bờ biển còn diễn bến phức tạp. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu này càng gay gắt, nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Công Trí