Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 31/10/2019, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Văn điệp - TTXVN |
Trao đổi bên lề Kỳ họp sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc đồng thời góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chỉ rõ, việc Quốc hội phê duyệt Đề án là một bước tiến rất lớn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Điểm đổi mới lần này là Quốc hội ban hành chính sách và bố trí nguồn lực, đảm bảo Đề án hoạt động hiệu quả. “Trước đây, Quốc hội ban hành chủ trương, Chính phủ ban hành chính sách còn nguồn lực tùy theo điều kiện và khả năng của từng giai đoạn ngân sách để bố trí. Từ đó, xuất hiện tình trạng có những chính sách đã ban hành nhưng không có nguồn lực để thực hiện. Bước đột phá lần này là Quốc hội ban hành chính sách, xác định mục tiêu, nhóm giải pháp lớn và bố trí nguồn lực để thực hiện một cách đồng bộ”, đại biểu nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý nữa, theo đại biểu, Đề án đã tích hợp hệ thống chính sách hiện hành, khắc phục được sự phân tán, chồng chéo và xác định được các cơ quan chủ quản thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhận định, thách thức lớn nhất trong việc thực hiện, triển khai Đề án là vấn đề lấy người dân làm trung tâm. Cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, của xã hội, Đề án phải khơi dậy được tính tự chủ, coi người dân là trung tâm thì mới thực sự bền vững. “Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhưng nếu đồng bào dân tộc ở chính nơi đó không phát huy nội lực để bắt kịp mà chỉ trông chờ, ỷ lại thì khi kết thúc chương trình chúng ta sẽ không thu được kết quả như mong đợi”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh lưu ý, khi Quốc hội ban hành Đề án bằng một nghị quyết, Chính phủ xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Các địa phương trong vùng Đề án, trong chương trình mục tiêu này phải tích hợp và hoàn thiện chính sách, điều chỉnh kế hoạch của mình phù hợp với chương trình mà Quốc hội phê chuẩn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn rất khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, trình độ, nhận thức của người dân về công nghệ, kỹ năng, sản xuất kinh doanh... còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn ngân sách quốc gia hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng này.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đảng đã đưa chủ trương, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, tất cả các bộ, ngành, tỉnh thành phải có chương trình hành động để thực hiện. Trong chương trình này, điều quan trọng nhất là huy động nguồn vốn đầu tư. Về kinh phí, Quốc hội, Chính phủ phải xem xét để có mức đầu tư hợp lý. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân ở chính địa bàn đó để giúp nhau cùng phát triển. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng phải vào cuộc giúp người dân được vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. "Một trong việc đã và đang làm rất hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân là việc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn. Vì thế, Nhà nước có thể trích ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để ngân hàng này tiếp tục cung cấp vốn cho người dân, để đồng bào biết nghĩ, biết làm và có trách nhiệm, không ỷ lại", đại biểu đề nghị.
Phan Phương
TTXVN