Sau 3 ngày tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú, chiều 26/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổng kết bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.
Ngày hội năm nay thu hút sự tham gia của gần 3.000 khách mời, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào dân tộc Mông đến từ 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa và sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội, Tống Thanh Hải khẳng định: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 diễn ra tại tỉnh Lai Châu mặc dù trong thời tiết diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu mà Ban tổ chức hướng tới. Chương trình khai mạc đảm bảo tính trang trọng, có ý nghĩa văn hóa, chính trị sâu sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh tham gia ngày hội; có sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương.
Đồng thời, Ngày hội còn là sân chơi bổ ích dành cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào dân tộc Mông toàn quốc.
Về phần Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 10 đoàn với gần 400 nghệ nhân, diễn viên, có 49 tiết mục đặc sắc thể hiện qua các giai điệu âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo, kèn lá, đàn môi và các giai điệu dân ca bằng tiếng Mông, tạo được sự hấp dẫn, thu hút người xem.
Mỗi tỉnh đã tái hiện 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông ở địa phương mình. Đoàn các tỉnh cũng đã trưng bày tranh, ảnh, mô hình, hiện vật, nhạc cụ; nghề thủ công, thổ cẩm phản ánh rõ văn hóa dân tộc Mông trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Các hoạt động thể thao trong ngày hội cũng có sức hút khán giả với sự tham gia của 6 tỉnh, gần 200 huấn luyện viên, vận động viên thi đấu sôi nổi, hấp dẫn các môn thi thể thao đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Mỗi tỉnh đã tái hiện 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông ở địa phương mình. Đoàn các tỉnh cũng đã trưng bày tranh, ảnh, mô hình, hiện vật, nhạc cụ; nghề thủ công, thổ cẩm phản ánh rõ văn hóa dân tộc Mông trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Các hoạt động thể thao trong ngày hội cũng có sức hút khán giả với sự tham gia của 6 tỉnh, gần 200 huấn luyện viên, vận động viên thi đấu sôi nổi, hấp dẫn các môn thi thể thao đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Ban Tổ chức đã trao 27 bộ huy chương ở 4 môn thi đấu, gồm: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tù lu. Trong quá trình tổ chức các hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch, khẳng định việc Lai Châu sẽ thích ứng an toàn với dịch COVID-19 cùng với cả nước.
Qua Ngày hội giúp cho mỗi người hiểu biết, trân trọng và gìn giữ các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Từ đó, thêm tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
Tại Lễ bế mạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động tại Ngày hội.
Ban Tổ chức Lễ hội cũng đã trao Giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân có các tiết mục biểu diễn xuất sắc và trao Cờ đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ IV năm 2025 cho tỉnh Điện Biên.
Việt Hoàng