Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên họp thứ ba Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN |
Thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan soạn thảo các dự án trình, các cơ quan thẩm tra cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện tất cả các dự án luật, những báo cáo, những dự thảo nghị quyết để trình ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới; trong đó có hai nội dung sẽ tiếp tục được trình ra tại Phiên họp thứ tư của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý ba dự án luật gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban chủ trì thẩm tra những dự án luật này tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sắp tới sẽ báo cáo Bộ Chính trị để hoàn thiện các dự án luật trình ra Quốc hội. Trước khi trình ra Quốc hội, những dự án luật này sẽ được gửi tới các đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định trước 20 ngày để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước kỳ họp thứ hai.
Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, các dự án luật, gồm: Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Quy hoạch; Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; Luật Du lịch; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành các luật trên và thấy đủ điều kiện để trình ra Quốc hội thảo luận lần đầu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo cũng như phối hợp các cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến tiếp vào Phiên họp thứ tư Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ thông báo ý kiến với Chính phủ theo hướng nâng cấp lên thành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) thay vì sửa đổi một số điều của luật này.
Thứ tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước để thay thế nghị quyết cũ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sau.
Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, gửi xin ý kiến các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Thứ sáu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở ý kiến của phiên họp thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện các dự thảo, các báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Thứ bảy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo Luật về hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân rất quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi ban hành luật này phải bảo đảm quyền của công dân về lập hội theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về vấn đề hội. Qua đó góp phần tăng cường sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, về công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, trong đó nội dung bảo đảm phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã nêu về vấn đề hội, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; cùng với đó nhấn mạnh việc thành lập hội cần bảo đảm những n guyên tắc tổ chức và hoạt động của hội, trong đó có 5 "tự" gồm: "Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật"; t hực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội; b ảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận... /.