Bầu cử Mỹ 2016: Các ứng cử viên đảng Dân chủ bước vào cuộc tranh luận thứ 7

Bầu cử Mỹ 2016: Các ứng cử viên đảng Dân chủ bước vào cuộc tranh luận thứ 7

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cuộc tranh luận được các kênh truyền hình PBS và CNN phát sóng trực tiếp vào "khung giờ vàng" từ thành phố Milwaukee (Min-goa-ki), bang Wisconsin (Uýt-con-xin) trong bối cảnh cuộc đua "song mã" vào Nhà Trắng trong nội bộ đảng Dân chủ bước vào giai đoạn mới. Đây là “màn đấu khẩu” tay đôi giữa hai ứng cử viên gồm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) và Thượng nghị sĩ bang Vermont (Vơ-môn) Bernie Sander (Bơ-ni Xan-đơ).

Trong ảnh (tư liệu): Ứng viên Hillary Clinton (phải, trước) phát biểu trước những người ủng hộ trong phiên bầu cử dưới hình thức "họp kín" tại Des Moines, bang Iowa ngày 1/2. AFP/TTXVN
Trong ảnh (tư liệu): Ứng viên Hillary Clinton (phải, trước) phát biểu trước những người ủng hộ trong phiên bầu cử dưới hình thức "họp kín" tại Des Moines, bang Iowa ngày 1/2. AFP/TTXVN 


Cách đây hơn một năm, bà Clinton nổi lên là sự lựa chọn hàng đầu của đảng Dân chủ và gần như chắc chắn sẽ giành sự đề cử của đảng này để ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, "gió đã đổi chiều" khi bà Clinton chỉ vượt qua ông Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín tại bang Iowa (Ai-ô-oa) hôm 1/2 với tỷ lệ chênh lệch sít sao (0,2%) và thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức phổ thông đầu phiếu (primary) tại bang New Hampshire hôm 9/2 vừa qua với cách biệt 60,40%-37,95%.

Ban đầu, đảng Dân chủ dự định tiến hành 5 cuộc tranh luận, song theo đề nghị của các ứng cử viên, Ủy ban Toàn quốc của đảng này đã đồng ý tổ chức thêm 4 cuộc tranh luận nữa và đây là cuộc tranh luận thứ hai trong số đó. Dự kiến, các nội dung tranh luận chính sẽ là cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, cải cách chính sách thuế, giáo dục, nhà cửa, việc làm và một số vấn đề đối nội-đối ngoại khác… 

Ông Sanders, người thường tự mô tả là một nhà dân chủ xã hội, đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nhóm cử tri trẻ tuổi và không còn bị coi là một "vật lót đường" trong cuôc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc duy trì mạch thắng lợi trong chiến dịch tranh cử lâu dài sẽ là một thách thức với ứng cử viên 74 tuổi này. Mặc dù chịu lép vế tại Iowa và New Hampshire, nhưng giới phân tích tại Mỹ cho rằng bà Clinton sẽ có lợi thế ở những bang tiếp theo. Các cuộc thăm dò dư luận bên phía đảng Dân chủ cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha (Hispanic) dành cho bà Clinton đang ở mức rất cao. Khối cử tri này được dự báo sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới của đảng Dân chủ. 

Theo kế hoạch, đảng Dân chủ sẽ tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) tại bang Nevada (Nê-va-đa) vào ngày 20/2 và bỏ phiếu kín (primary) tại bang South Carolina (Ca-rô-lai-na Nam) vào ngày 27/2 tới. Kết quả thăm dò của RealClearPolitics cho thấy tại bang Nevada, nơi có cộng đồng người Hispanic rất đông, bà Clinton đang dẫn trước ông Sanders với cách biệt 20%; còn tại bang South Carolina, cách biệt này lên tới 30%./.

Có thể bạn quan tâm