Ngư dân đưa tàu cá lên bờ để duy tu, sửa chữa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Chúng tôi về xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và không mấy khó khăn để gặp gỡ ngư dân Võ Văn Hân, người tiên phong đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 tại Quảng Ngãi. Bởi, con tàu của ông đành phải nằm bờ hơn 1 năm nay. Con tàu trông khá hoành tráng. Nó được đóng năm 2015 với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank) cho vay 13,2 tỷ đồng, còn lại là vốn ông Hân tự bỏ ra. Nó được lấy tên “Biển Đông 01”, có lẽ như tượng trưng cho niềm khát vọng cháy bỏng của ông Hân, xem Biển Đông như máu thịt, như người mẹ muôn đời “nuôi dưỡng” những thế hệ ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đầu năm 2016, con tàu Biển Đông 01 ấy với số hiệu Qng 90999-TS, công suất 811CV hạ thủy, rẽ sóng bắt đầu cho hành trình chinh phục biển. Ông Hân kể, tàu chỉ khai thác thuận lợi trong năm đầu tiên. Sau đó, máy móc hư hỏng liên tục, nhất là bộ phận thủy lực; rồi thân tàu bị gỉ sét nặng phải sơn lại. Mọi thứ ông đều tự bỏ tiền túi ra sửa chữa để đi biển, với hi vọng kiếm thu nhập trả nợ cho ngân hàng. Đi biển là công việc hết sức gian truân, may ít rủi nhiều. Tháng 3/2018, khi giăng lưới đánh bắt cá ngoài biển, không may tàu ông Hân bị mất hết ngư lưới cụ chỉ sau một đêm. Tàu đành phải trở về không. Cũng chính từ lúc đó, bao mơ ước của ông Hân dường như tiêu tan. Điều khiến ông Hân buồn nhất là dù đã đóng hơn 3,6 tỷ đồng bảo hiểm cho tàu nhưng khi xảy ra “sự cố” ông không nhận được đồng tiền hỗ trợ nào từ phía Công ty Bảo Minh; còn số tiền mua sắm lại ngư lưới cụ lên tới hàng tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính của gia đình ông nên không còn cách nào khác, ông buộc phải “khai tử” cho con tàu 67 của mình bằng cách neo “bất động” tại cảng, kết thúc những chuỗi ngày lênh đênh sóng nước trùng khơi. Và số tiền hơn 12 tỷ đồng còn lại nợ ngân hàng, ông Hân chưa biết sẽ trả bằng cách nào. Đồng cảnh ngộ với ông Hân, con tàu vỏ gỗ (đóng theo Nghị định 67) mang số hiệu Qng 90599-TS của ngư dân Ao Xuân Tiến, xã Bình Hải cũng đành phải “nằm bờ” vì mất ngư lưới cụ. Sổ đỏ, đất đai đều đã thế chấp hết cho ngân hàng nên vợ chồng ông dù có xoay sở khắp nơi vẫn không đủ tiền để mua lại. Sót của, ông cứ đi khắp nơi, lần mua những tấm lưới cũ để “viết” tiếp giấc mơ đổi đời. Nhưng, càng cố gắng ông Tiến càng thất bại khi những phiên biển thua lỗ cứ nối nhau. Chưa kể, cứ mỗi lần chuẩn bị vươn khơi, nhân viên ngân hàng Vietcombank lại xuống cảng làm khó, ngăn không cho tàu xuất bến vì lý do, ông bị xếp vào nhóm nợ xấu. Vụ việc đẩy lên đỉnh điểm khi ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi quyết định khởi kiện ông ra tòa. Trong giấy thông báo khởi kiện xử lý tài sản đảm bảo là tàu cá QNg-90599TS để thu hồi toàn bộ nợ vay trước hạn và toàn bộ phần tiền lãi ngân sách nhà nước đã cấp bù từ Vietcombank Quảng Ngãi. Khoản tiền mà vợ chồng ông Tiến đang nợ (tính đến tháng 7/2018) lên đến hơn 6,737 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 6,579 tỷ đồng, tiền nợ lãi vay trên 156 triệu đồng và lãi phạt quá hạn gần 2 triệu đồng. “Cứ nghĩ rằng đóng tàu to thì khai thác hiệu quả hơn, ai ngờ xảy ra kết cục đau lòng như vậy. Giờ ngân hàng kiện ra tòa chẳng ai mong muốn điều đó đến với mình cả. Hơn nửa đời người bám biển, bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào nó, cuối cùng lâm vào nợ nần, trắng tay, chua xót quá”- ông Tiến vừa nói vừa khóc. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 63 tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ (11 tàu vỏ thép, 1 tàu composite, còn lại là tàu vỏ gỗ). Trong số 11 tàu vỏ thép thì có 6 tàu hoạt động không hiệu quả. “Nguyên nhân chính khiến các tàu này hoạt động không hiệu quả là do giấy tờ, thủ tục ách tắc; bảo hiểm tàu cá không đảm bảo; không có bạn đi biển; không làm chủ được máy móc, thiết bị...”, đại diện lãnh đạo Chi cục này cho hay. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, hiện tại, Chi cục chỉ thực hiện chức năng tham mưu hỗ trợ ngư dân về lãi suất khi vay, bảo hiểm thân tàu theo đúng quy định của pháp luật, còn các vấn đề khác, Chi cục không có thẩm quyền giải quyết. Việc thực thi Nghị định 67 của Chính phủ cũng bộc lộ rõ những điểm bất cập. Điển hình như chính sách hỗ trợ tiền duy tu, bảo dưỡng tàu cá cho ngư dân đến nay vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cụ thể, ngư dân thì vẫn mòn mỏi chờ đợi. Ngư dân Võ Văn Hân chia sẻ: "Tôi có nghe nói là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 27/2014/TT-BNNPTNT quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67, nhưng không hiểu vì sao nó vẫn còn nằm im “trên giấy”. Nếu cứ “bỏ mặc” tàu cá ở cảng để chờ đợi chính sách từ nhà nước thì ngư dân chúng tôi lấy tàu đâu đi biển sau mỗi đợt hư hỏng, gỉ sắt". Việc tàu cá 67 “nằm bờ” cũng gây khó cho ngân hàng khi thu hồi nợ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Quảng Ngãi thông tin, triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, ngân hàng đã cho 6 khách hàng là ngư dân vay tiền đóng 2 tàu dịch vụ hậu cần và 4 tàu khai thác hải sản xa bờ. Tổng số tiền cam kết cho vay theo Hợp đồng tín dụng là hơn 75,7 tỷ đồng, doanh số cho vay thực tế là hơn 75 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2019, dư nợ gốc của 6 khách hàng là hơn 69,2 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều đã quá hạn và chuyển sang nhóm nợ xấu”. “Dù biết ngư dân gặp nhiều khó khăn khi đi biển nhưng trước tình hình hoạt động không mấy khả quan của các con tàu này, ngân hàng buộc phải làm việc, phối hợp với chủ tàu tìm nguồn trả nợ. Đối với các chủ tàu không hợp tác, ngân hàng sẽ tiến hành biện pháp khởi kiện để xử lý thu hồi nợ”- ông Hùng nói.
Vĩnh Trọng