Tượng Chim thần Garuda, Tháp Mẫm, Bình Định, thế kỷ 12 – 13 |
Tượng chim thần Garuda ở Thấp Mẫm luôn đi một cặp như trên mà những cuộc khai quật đã cung cấp cho chúng ta 3 cặp như thế hoặc tương tự như thế. Hiện nay, một cặp đang lưu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, một cặp bị xé lẻ, một ở Bảo tàng Nghệ thuật Cung đình Huế và một ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là cặp đôi được khai quật năm 2011, còn hai cặp trên khai quật năm 1934. Sự thể hiện cặp đôi, có tính chất đối xứng với tư thế đứng thẳng, đầu nghiêng một bên, thân hướng về phía trước, như là một truyền thống mang giá trị hằng số của nghệ thuật tạo tượng thú Chăm Pa, trong đó Tháp Mẫm là duy nhất, chỉ có tượng chim thần thể hiện theo lối cặp đôi như thế.
Sự hỗn hợp trong cách thể hiện từng bộ phận cơ thể tạo nên sự cường điệu hóa trong nghệ thuật, được biểu lộ khá rõ ở đôi tượng chim thần này. Đầu chim là sự kết hợp nhiều loài thú: Đôi mắt mở to, tròn lồi, chiếc mỏ lớn, hàm trên và dưới đều có răng, đặc biệt khóe mỏ hàm dưới có chiếc răng nanh như răng Makara. Đôi tai giống như tai người, nhưng to và dài quá mức. Thân và chi trên giống như con người, với bộ ngực nở nang, để rồi, đôi cánh dường như bị xếp lại, thay vì dang rộng như cánh Garuda giai đoạn trước thế kỷ 13. Lúc này, đôi cánh không được tạc lông vũ mà thay vào đó là vẩy cá – đem theo sự khác biệt cơ bản với Garuda truyền thống Chăm Pa, khi bộ lông cánh luôn được chú ý tới từng chi tiết trang trí. Đôi bàn chân lại không phải là chân người mà là móng vuốt của loài chim ăn thịt. Đây là những chi tiết mang giá trị độc đáo thứ nhất của đôi chim thần Tháp Mẫm.
Sự độc đáo thứ hai, đó là những bộ trang sức khoác trên mình chim dầy đặc với những chuỗi hạt tròn, những dải cánh sen, những chiếc mũ Kirita - mukara nhiều tầng, ôm trọn sau gáy, vòng cổ, vòng đeo tay, sampot, vòng đeo chân… đã tạo nên sự ngộ nghĩnh, mang tính chất hoang đường, không chỉ trên chim thần mà của tất cả các tượng động vật cũng như các vị thần của phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm.
Với cặp đôi đối xứng, những người nghiên cứu nghệ thuật Chăm Pa nói chung và Tháp Mẫm nói riêng đã khẳng định rằng, đây là hai khối hình trang trí ở hai bên cửa chính tháp hoặc hai bên cửa phụ. Dẫu là ở cửa nào, hình tượng chim thần đã thể hiện sự mạnh mẽ, sự hoành tráng của kiến trúc tháp Chăm – một kiến trúc đặc sắc mang giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Chăm Pa trong lịch sử cả ngàn năm có lẻ.
Những bức tượng chim thần Garuda diệt rắn được phát hiện ở phế tích Tháp Mẫm là loại hình điêu khắc độc đáo, riêng biệt, không nơi nào có được. Đây là những tác phẩm đại diện cho một phong cách nghệ thuật mà các nhà nghiên cứu người Pháp trước đây đã định hình một phong cách điêu khắc lớn trong tiến trình lịch sử nghệ thuật Chăm Pa, đó là phong cách Tháp Mẫm, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13.
Jean Boisserlier – một học giả lừng danh nghiên cứu nghệ thuật Chăm Pa và giữa thế kỷ 20, trong một công trình đồ sộ của mình “La statuaire du Chăm Pa (nghệ thuật tạo tượng Chăm Pa) đã nhận xét về những tác phẩm điêu khắc động vật phát hiện tại Tháp Mẫm rằng: Nền nghệ thuật tạo tượng động vật chiếm vị trí quan trọng trong phong cách Tháp Mẫm… nhưng ở đây, động vật chỉ đóng một vai trò hầu như vô nghĩa, và nói chung, nhường chỗ cho những hình tượng có tính chất hoang đường… và tất cả những tượng động vật trong phong cách Tháp Mẫm đều ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc Khmer… Tượng động vật trong phong cách Tháp Mẫm hầu hết đều có kích thước lớn…được trang trí triệt để, không còn chỗ nào trống, trông thật tinh nghịch với bộ mặt ra bộ dữ dằn.
Theo thegioidisan.vn