Bảo tồn văn hóa cồng chiêng: Trách nhiệm và thách thức

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng: Trách nhiệm và thách thức
“Kho” cồng chiêng phong phú

Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng địa phương thực hiện vào năm 2006, toàn huyện Kbang khi ấy còn lưu giữ được khoảng 630 bộ cồng chiêng. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các ngành, các cấp trong việc cứu lấy cồng chiêng trước nguy cơ “chảy máu”, đặc biệt là khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đệ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chỉ 2 năm sau, qua công tác kiểm kê, sưu tầm, ngành chức năng địa phương đã phát hiện thêm nhiều bộ cồng chiêng nữa vẫn còn được lưu giữ trong dân, nâng số bộ cồng chiêng lên 919 bộ. Hiện nay, con số mà ngành chức năng nắm được là còn khoảng 1.000 bộ cồng chiêng được lưu giữ, trong đó có 20 bộ thuộc diện chiêng cổ và quý hiếm. Đáng quý hơn, toàn huyện Kbang hiện có tới 5 làng còn lưu giữ được hơn 23 bộ cồng chiêng trở lên, trong đó, nhiều hộ còn lưu giữ 5 bộ.
 
Không gian lễ hội là “đất sống” cho cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hòa
Không gian lễ hội là “đất sống” cho cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hòa
Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, nhấn mạnh: “Kbang là một vùng đất giàu bản sắc, phong phú về các giá trị văn hóa cả ở góc độ vật thể, phi vật thể và hạt nhân trung tâm là mỗi cá nhân con người. Con người Kbang hiền hòa, biết trân trọng giá trị lịch sử truyền thống. Vấn đề của ngành chuyên môn là làm thế nào để đấu nối các giá trị ấy lại với nhau để mạch nguồn ấy được chảy mãi”. Bởi thế, theo ông, tạo “đất sống” cho cồng chiêng được coi là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu để gìn giữ được vốn quý ấy.

“Với người Bahnar, hội hè hay lễ tết tất nhiên không thể thiếu cồng chiêng. Tuy nhiên, làm thế nào để cồng chiêng giữ được sức sống lâu bền qua mỗi thế hệ thì chúng ta phải tạo dựng được “đất sống”, đặc biệt là phải xây dựng được trong lớp trẻ một niềm yêu thích và ý thức, trách nhiệm với việc gìn giữ vốn quý của dân tộc.

Trách nhiệm và thách thức

Về phía ngành chức năng, bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con ý thức gìn giữ cồng chiêng thì việc huấn luyện, đào tạo các thế hệ biết chơi cồng chiêng để có thể tiếp nối dòng chảy của cha ông là điều không thể thiếu. “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức liên hoan nghệ thuật cồng chiêng thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số gắn liền với các hoạt động văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số. Môi trường này đã tạo một không khí thi đua, từ đó nhiều xã đã thành lập được các đội cồng chiêng thiếu nhi. Hiện nay, huyện Kbang đã xây dựng được 11 đội chiêng nhí với khoảng 30 thành viên/đội.

Cái khó của việc lưu giữ cồng chiêng cho thế hệ trẻ chính là hạn chế nguồn kinh phí để duy trì hoạt động vì dù ít dù nhiều, nếu thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết sẽ rất khó quy tụ và níu giữ được người dân đến với các buổi tập luyện hay biểu diễn, chưa kể người dân hầu hết còn nặng gánh áo cơm. Bên cạnh đó, đội ngũ những người truyền dạy cồng chiêng đa phần chưa trải qua đào tạo và tập huấn thêm các kỹ năng cần thiết khác hay sự khó khăn trong việc cân đối thời gian học ở trường lớp và thời gian học chỉnh chiêng của các em nhỏ… làm ảnh hưởng phần nào tới chất lượng và hiệu quả của các chương trình truyền dạy.

Đi liền với những giá trị được tôn vinh luôn là những thách thức. Cồng chiêng càng trở nên quý và ý nghĩa bao nhiêu thì những cuộc săn lùng để thỏa niềm đam mê được sở hữu của những cá nhân nào đó càng bị thôi thúc bấy nhiêu. Ông Chi chia sẻ: “Theo thông tin chúng tôi nắm được thì vào khoảng năm 2011, người dân trên địa bàn đã bán 3 bộ cồng chiêng quý. Có những trường hợp chính người thân trong nhà cố tình lấy trộm đem đi bán để có tiền tiêu xài. Cái giá vật chất khi ấy bị đánh đổi là quá rẻ trong khi việc tìm lại hay thu hồi là chuyện quá xa vời…”.

Cũng chính sự cám dỗ của đồng tiền, một bộ phận người dân đã chấp nhận đánh đổi. “Một điều đáng lo nữa, đó chính là tình trạng đào trộm mồ mả để tìm lấy cổ vật. Chúng tôi có nắm thông tin một vài vụ và đã phối hợp với các đơn vị hữu quan khác tuyên truyền cho nhân dân các địa phương đề phòng và nâng cao ý thức bảo vệ”-ông Chi cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm