Nhân Ngày quốc tế Bảo tàng, ngày 18/5, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức Hội thảo “Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại”. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân gốm trong cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và chia sẻ nhiều thông tin nghiên cứu mới nhất liên quan đến các chuyên đề gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại. Nhiều tham luận đáng chú ý như: Lịch sử đồ gốm và dòng chả gốm từ Quỳnh Văn - Bàu Tró đến Tiền Sa Huỳnh; Dấu ấn văn hóa Phật giáo trên gốm cổ Việt Nam; Trầm tích cổ vật sông Hương trong dòng chảy văn hóa Huế; Gốm Việt Nam và những góc nhìn; gốm Sài Gòn đỉnh cao của gốm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; Bảo tàng gốm cổ sông Hương: Một miền ký ức; Gốm sứ Champa tráng men trong quan điểm khu vực…
Giáo sư Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đồ gốm là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại thời tiền sử, đánh dấu bước tiến lớn trong lịch sử văn minh.
Việt Nam là nơi đồ gốm xuất hiện khá sớm. Theo những kết quả nghiên cứu hiện nay, đồ gốm sớm nhất có niên đại 8.000 năm. Đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân cổ và phản ánh trình độ văn hóa vật chất và tinh thần cũng như mối quan hệ qua lại với môi trường tự nhiên, xã hội. Dựa vào đồ gốm, những nhà nghiên cứu có thể nhận diện sự khác biệt văn hóa cũng như mối quan hệ tương tác, giao lưu và trao đổi ý tưởng, hàng hóa giữa các cộng đồng cư dân cổ.
Với tham luận “Trầm tích cổ vật sông Hương trong dòng chảy văn hóa Huế”, Tiến sỹ Nguyễn Anh Thư, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, đồ gốm cổ được tìm thấy ở sông Hương đã phản ánh rõ nét tiến trình phát triển của Thừa Thiên - Huế qua 3 giai đoạn chính: Giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (cách đây trên dưới 2.500 năm); giai đoạn văn hóa Champa (từ 192 đến 1306); giai đoạn văn hóa Đại Việt - Việt Nam (từ thế kỷ XI đến nay). Những đồ gốm cổ được tìm thấy ở sông Hương chính là nguồn tư liệu vật chất quý giá, một bộ thông sử bằng vật thật vô cùng độc đáo xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của một vùng đất trọng yếu ở miền Trung. Sưu tập cổ vật sông Hương có thể giúp các nhà nghiên cứu nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung.
Từ đó tìm hiểu rõ hơn quá trình chuyển biến từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa; đặc biệt trong giai đoạn chuyển từ Sơ sử sang sơ kỳ Lịch sử (những thế kỷ I-II trước và sau Công nguyên). Hiện nay, trong điều kiện “nguồn cung” từ sông Hương đã cạn kiệt, nhiều hiện vật vớt từ lòng sông và từ một số nơi khác ở Huế đã bị phân tán trong và ngoài nước. Do đó, nếu không sớm được tư liệu hóa và nghiên cứu bài bản hệ thống những hiện vật này với cách tiếp cận và phương pháp phù hợp thì sẽ khó có thể nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung.
Kiến trúc sư Huỳnh Văn Huỳnh (Bình Dương) cho rằng, để giữ gìn nghề gốm không chỉ kế thừa được kỹ thuật, tinh thần và triết lý của làng nghề, mà bắt đầu giữ gìn bằng cách thực hành để những kỹ thuật ấy không bị mất đi. Ngoài ra, địa phương còn phải có những hoạt động giáo dục, truyền lửa yêu nghề cho giới trẻ, tăng cường truyền thông quảng bá làng nghề; thổi một làn gió mới đương đại hơn để phát huy giá trị làng nghề. Việc thiết kế những sản phẩm mới phải thể hiện rõ đặc điểm của làng nghề, tránh trường hợp bỏ gốc lấy ngọn, để khi nhìn vào sản phẩm, mọi người có thể nhận ra ngay là sản phẩm của làng nghề đó.
Bên lề Hội thảo còn diễn ra hoạt động trưng bày chuyên đề gốm Phước Tích; trưng bày tác phẩm gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh của họa sỹ Lê Thiết Cương; tác phẩm gốm Phù Lãng của họa sỹ Vũ Hữu Nhung; giao lưu với nghệ nhân các làng gốm ở Việt Nam.
Tường Vi