Sáng 19/11, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần “ Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022”, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nôi), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam hiện nay".
Hơn 40 bài tham luận từ các Bộ, Ban, Ngành, Cục, Vụ, đơn vị đã được gửi đến ban tổ chức. Các tham luận tập trung vào nội dung đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại các địa phương; đề xuất định hướng, giải pháp khai thác, liên kết, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tùy theo điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và xã hội, mỗi dân tộc đã lựa chọn, hình thành các nguyên liệu, chất liệu, quy trình, thức dệt, nhuộm, may, thêu, trang trí, cấu trúc hình dáng và màu sắc của các bộ trang phục truyền thống theo những giá trị riêng, bản sắc riêng của mình.
Thông qua các bộ Trang phục truyền thống, các dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện được “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình. Trang phục truyền thống các dân tộc tộc thiểu số cũng sớm hình thành bao gồm trang phục dành cho cuộc sống lao động bình thường, trang phục trong ngày lễ hội, cho các sự kiện quan trọng của cuộc đời như trong đám cưới, trong tang ma, trang phục dành cho thầy cúng, thầy mo khi họ thực hành các nghi lễ giao tiếp với các lực lượng siêu nhiên, trang phục dành cho người già, trang phục dành cho trẻ em...
Nhiều dân tộc đã quy định khá rõ về mặc trang phục phù hợp với vị trí xã hội, với lứa tuổi, với giới tính, với hoàn cảnh cụ thể khi giao tiếp, ứng xử; trong đó có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, trang phục mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau, các nhóm khác nhau cũng có sự khác nhau. Chính vì sự phong phú, đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm nên trang phục là một trong những giá trị tiêu biểu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số nước ta đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống của mỗi tộc người. Nhiều người trong số chúng ta đã từng phải thán phục trước sự sáng tạo, khéo léo trong cách cắt may vừa kín đáo nhưng vẫn làm nổi rõ nét đẹp hình thể của người phụ nữ qua bộ y phục.
Người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ, ....với bộ y phục mang màu sắc sặc sỡ kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả màu sắc và âm thanh. Nữ phục Thái, Mường với những gam màu nguyên có sự tương phản giữa màu váy - áo hay trang trí, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển của người phụ nữ. Trang phục Tày, Nùng với gam màu chàm thể hiện sự kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ…
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cùng với đó sự giao thoa văn hoá, đồng bào dân tộc thiểu số phần nào được tiếp cận các nền văn hoá khác nhau dẫn đến sự thay đổi thị hiếu, thẩm mỹ.
Trang phục dân tộc thiểu số đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Mức độ sử dụng trang phục truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng mai một. Chính vì thế mà việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số là điều vô cùng cấp bách.
Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 11 năm 202 tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nôi.
Bài và ảnh: Hoàng Tâm