Múa mừng Đảng, mừng Xuân của trẻ em dân tộc Dao đỏ tại xã Ngọc Động (Thông Nông). Ảnh: Thu Hương |
Bà Bàn Mùi Phin, dân tộc Dao đỏ ở xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) là người hát hay và thuộc nhiều bài hát dân ca Dao đỏ nhất trong xã cho biết: Dân ca dân tộc Dao có rất nhiều làn điệu khác nhau, gồm: Tộ dung là hình thức đọc lượn; Cóng dung là hình thức nói lượn; Cóng phây là hình thức hát thơ; Phầy lủi là hình thức đọc liền mạch... Không gian diễn xướng dân ca người Dao đỏ rất phong phú: Trong các ngày hội xuân, lúc đi chợ, lên nương... Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, Tết đến. Họ hát theo từng nhóm trao gửi yêu thương và những kinh nghiệm về cuộc sống, đề cao tinh thần lao động, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa..., thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao.
Trong đó, hát giao duyên trong dân ca người Dao đỏ có sức hút kỳ lạ vì giai điệu như dòng mật ngọt luồn lách vào mỗi trái tim, rung lên nhịp xốn xang xao động. Tình yêu của những đôi trai gái Dao đỏ lấp lánh giữa mây ngàn, gió núi, thác cao, suối sâu, cây lá đại ngàn vừa sâu sắc, vừa tế nhị kín đáo.
Theo chị Trịnh Thị Thoáng, dân tộc Dao đỏ ở xóm Lũng Rịch, xã Lương Thông (Thông Nông), hát ru của người dân tộc Dao đỏ khác với hát ru của các dân tộc Kinh, Tày... ở âm ngữ mở đầu. Nếu người Kinh sẽ mở đầu bằng âm ngữ “À a à ời...”; người Tày bắt đầu bằng “Ứ noọng nèn/ Nèn đắc nèn đí...” thì người Dao đỏ lại bắt đầu bài hát ru bằng âm ngữ “Ô ồ ối ô ồ ối á...” hoặc “Ồ ới án...”. Nhưng có điểm chung như các dân tộc khác, hát ru của người Dao đỏ giáo dục con cái về đạo lý làm người, hướng con có ý chí vươn lên: Người Dao ta đời đời kế tiếp/Xây dựng nước nhà rạng rỡ non sông/Cháu con ta là chủ nhân cuộc sống/Để sau này nối tiếp bước cha ông...
Trong những dịp mừng nhà mới, người Dao đỏ thường cất tiếng hát mừng gia chủ với những lời chúc cho gia đình sống hạnh phúc, làm ăn phát đạt, như: Đời này tiếp đời sau/Đều lo việc làm nhà/Ngôi nhà to rộng rãi/Chủ nhà gặp đại lợi/Gia đình được bình yên/Người già sống muôn tuổi/Người trẻ đẹp như hoa/Lương thực đầy kho/Gia súc đầy chuồng/Tiền bạc đầy nhà...
Dân ca của người Dao phong phú, đa dạng về thể loại, làn điệu gắn với đời sống: Hát mừng khách, hát tiễn bạn, hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng... Bên cạnh đó, mọi người không chỉ hát mà còn tự sáng tác ra những làn điệu, thể loại phù hợp với cuộc sống hiện tại với nhiều thay đổi dưới sự lãnh đạo của Đảng và ca ngợi công ơn Bác Hồ..., như bài hát Láng trảng viển slang (Tạm dịch: Quê hương đổi mới) của ông Triệu Kiểm Pu, hơn 50 tuổi, dân tộc Dao đỏ tại xóm Lũng Chang, xã Thái Học (Nguyên Bình) - một người am hiểu và có khả năng sáng tác lời theo nhiều làn điệu dân ca Dao đỏ, được nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian tìm đến khi tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao đỏ. Lời bài hát mang hơi thở cuộc sống hiện đại, vui tươi: Qua rồi cảnh ngày xưa tăm tối/Ngày nay đổi mới rạng quang minh/Đất nước độc lập dân làm chủ/Có ruộng cày cấy thóc đầy kho/Ngày chợ mua bán nhiều hàng hóa/Nhân dân có cuộc sống ấm no... Điện, đường, trường, trạm đến bản làng/Công lao Đảng, Bác cao như núi/Nhân dân ơn nhớ mãi muôn đời...
Có thể khẳng định, dân ca Dao đỏ là “kho báu” trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc Dao đỏ đang bị mai một và nguy cơ mất dần trong sự phát triển chung của xã hội.
Ở xã Thái Học (Nguyên Bình), nơi 100% là người dân tộc Dao đỏ, hiện được ví như là kho tư liệu sống về những nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ, trong đó có kho tàng dân ca. Nhưng điều đáng nói là hiện nay những người biết hát dân ca Dao đỏ tại xã Thái Học chiếm số lượng rất ít. Ông Triệu Kiểm Pu chia sẻ: Người Dao đỏ chúng tôi trong cuộc sống hằng ngày luôn san sẻ tâm tình, yêu thương đùm bọc nhau qua các câu hát dân ca mượt mà. Mọi lúc, mọi nơi đều cùng nhau cất lên những lời ca, điệu múa để tăng thêm nghị lực, vượt qua mọi gian nan thử thách, thúc giục niềm hăng say lao động sản xuất, yêu quê hương. Nhưng những năm gần đây, tiếng hát dân ca không còn được cất lên trong đời sống hằng ngày mà chỉ trong những dịp lễ hội, lễ cưới, lễ cấp sắc...
Theo ông Đặng Vần Sơn, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, UBND xã Thái Học, nguyên nhân dẫn đến dân ca Dao đỏ hiện nay không được nhiều người biết và hát nữa do các làn điệu dân ca Dao đỏ cổ được ghi bằng chữ Hán - Dao, nhưng người biết chữ Hán - Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng mà họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng. Do đó, nguy cơ thất truyền, mai một các làn điệu dân ca là rất lớn. Các làn điệu dân ca phổ biến mang tính chất truyền miệng không có sự kế thừa, ghi chép đủ qua các thế hệ; lớp trẻ hiện nay ít có thời gian suy ngẫm và không am hiểu về các làn điệu dân ca dẫn đến không đam mê, học hỏi; người cao tuổi, nghệ nhân có hiểu biết và có thể hát các làn điệu dân ca ngày một ít; cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vai trò và tác dụng của dân ca trong cuộc sống chưa được nhận thức đúng đắn; địa phương chưa có sự quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến các làn điệu dân ca... Đây là những khó khăn không nhỏ trong công tác bảo tồn những làn điệu dân ca người Dao đỏ đòi hỏi phải có cách làm linh hoạt và sự vào cuộc của chính quyền và các ngành chức năng.
Báo Cao Bằng