Bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử Nam Ô

Ngày 27/3, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố là Cụm di tích lịch sử Nam Ô cho đại diện chính quyền và nhân dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Bao ton va phat huy gia tri Cum di tich lich su Nam O hinh anh 1 Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Hà Vỹ trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố là Cụm di tích lịch sử Nam Ô cho đại diện chính quyền, nhân dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết: Vùng đất Nam Ô có một tiến trình lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc biệt. Tại đây có hàng chục di tích với mật độ cao, đa dạng các loại hình kiến trúc, danh thắng, khảo cổ, tín ngưỡng, nghề làm Nước mắm Nam Ô là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, lễ hội Cầu Ngư, cùng những câu chuyện lịch sử ngàn năm gắn với mảnh đất này. Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 27/11/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 4569/QĐ-UBND xếp hạng Cụm di tích lịch sử Nam Ô là di tích cấp thành phố bao gồm: Đình làng Nam Ô, Lăng Ông Nam Ô, Dinh Âm linh Nam Ô, Nghĩa Trủng Nam Ô, Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng. Đây không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của chính quyền, nhân dân Nam Ô và phường Hòa Hiệp Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Hà Vỹ đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân phường Hòa Hiệp Nam, UBND quận Liên Chiểu tiếp tục chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử Nam Ô theo luật di sản văn hóa. Đồng thời, các bên liên quan tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; phục hồi và duy trì thường xuyên các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích như lễ tế, lễ hội cầu ngư nhằm giáo dục cho thế hệ sau các giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, kết chặt tình đoàn kết trong nhân dân. Cùng với đó, địa phương phối hợp với ngành du lịch thành phố xây dựng các chương trình điểm đến, để giới thiệu quảng bá cụm di tích lịch sử Nam Ô. Hiện nay, Sở đã cơ bản hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm trùng tu, tôn tạo các di tích trong Cụm di tích Nam Ô trong năm nay với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng.

Theo nhiều học giả nghiên cứu, Nam Ô được xem là làng chài cổ nhất xứ Đàng trong, với tuổi đời khoảng 700 năm. Mảnh đất này đã lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử, minh chứng cho sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm – Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung.

Ngày nay, chính quyền và người dân Nam Ô luôn quan tâm giữ gìn và lưu truyền những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Trần Lê Lâm

Tin liên quan

Đẹp lạ mùa rêu xanh mướt ở rạn đá Nam Ô

Đến bãi đá rạn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, vào mùa Xuân, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Khoảnh khắc này xuất hiện khi thủy triều rút đi để lộ ra những tảng đá với nhiều hình thù và kích thước khác nhau được phủ lên lớp rêu xanh mướt.


Đặc sắc mùa hái "mứt biển" ở Nam Ô

Khi mặt trời còn chưa hé rạng, thủy triều mấp mé ở phía xa, dọc ven biển làng chài Nam Ô "lộ ra" những rạn đá nằm san sát cũng chính là thời điểm mà những người dân ở làng chài này "mò mẫm" đi "hái" mứt biển (rong biển). Trong không gian tĩnh mịch, tiếng sóng biển vỗ rì rào, tiếng cào rong biển "ken két" của người dân đang cần mẫn thi nhau vang lên.


Làng biển Nam Ô – Nơi lưu giữ giá trị đất và người Đà Nẵng - Bài 3

Nam Ô là một làng biển cổ có tuổi thọ hơn 7 thế kỷ, với hàng loạt di tích văn hóa – lịch sử cả vật thể lẫn phi vật thể. Nhưng đặc biệt hơn, làng chài này lại nằm gọn trong thành phố Đà Nẵng, một trong những trung tâm phát triển kinh tế - du lịch – dịch vụ lớn của cả nước.  Vậy đâu là định hướng đúng đắn để gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị này? Phóng viên TTXVN xin giới thiệu với độc giả bài cuối trong chùm 3 bài về làng biển Nam Ô.


Làng biển Nam Ô – Nơi lưu giữ giá trị đất và người Đà Nẵng - Bài 2

Trong quyết định số 2974/QĐ- BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa được công bố về danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có nghề làm nước mắm Nam Ô, đây cũng là làng nghề làm mắm đầu tiên trên cả nước được vinh dự vào danh sách này. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển với bao thăng trầm, những người con Nam Ô vẫn giữ gìn nghề mắm như một kỷ vật truyền thống của cha ông.


Làng biển Nam Ô – Nơi lưu giữ giá trị đất và người Đà Nẵng - Bài 1

Đầu tháng 9/2019, người dân thành phố Đà Nẵng hân hoan vui mừng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa Nghề làm nước mắm làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đối với những người con Đà Nẵng, Nam Ô không chỉ là một làng nghề truyền thống lâu đời, mà còn là nơi lưu giữ các nét văn hóa đặc trưng, các ký ức về đất và người xa xưa của thành phố biển. Phóng viên TTXVN xin giới thiệu với độc giả chùm 3 bài về làng biển Nam Ô trong lịch sử, hiện tại và tương lai, nêu lên vấn đề bảo tồn, phát huy nét văn hóa lâu đời này trong phát triển kinh tế - du lịch của thành phố Đà Nẵng.



Đề xuất