Bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, Thanh Hóa

Một cây thuốc quý được phát hiện tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Một cây thuốc quý được phát hiện tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En đang triển khai dự án khoa học “Điều tra, đánh giá hiện trạng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hoá, (giai đoạn 2020-2022)” nhằm xác định thực trạng quần thể cây thuốc để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc.

Bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, Thanh Hóa ảnh 1Một cây thuốc quý được phát hiện tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Vườn Quốc gia bến En có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm có công dụng chữa bệnh. Do có giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đã khai thác quá mức mà không trồng phục hồi, dẫn đến các loài cây thuốc đang mất dần.

Bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, Thanh Hóa ảnh 2Một cây thuốc quý Hoài Sơn được phát hiện tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu - Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En, đến thời điểm này, dự án đã điều tra, xác định được các mối đe dọa đến tài nguyên, thành phần của các loài cây thuốc. Qua đó xác định được nơi phân bố của các loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở Vườn Quốc gia Bến En. Cán bộ dự án đã lập danh mục các loại cây thuốc quý hiếm với 374 loài, thuộc 119 họ; từ đó đã thu hái mẫu tiêu bản và xây dựng được 450 mẫu tiêu bản, bộ ảnh mầu tiêu bản của 150 loài cây thuốc, vẽ được bản đồ phân bố một số loài cây thuốc quý hiếm ở các khu rừng Bến En. Hiện Ban quản lý đã sản xuất được cây giống và thực hiện 3 mô hình trồng các cây thuốc quý gồm Hoài sơn, Thiên niên kiện và Thổ phục linh.

Bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, Thanh Hóa ảnh 3Cây thuốc quý Địa Liền tại Vườn quốc gia Bến En.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Thời gian tới, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En sẽ điều tra, xác định thành phần loài của các cây thuốc trên 50 tuyến và thu thập kiến thức của người dân quanh địa bàn giáp ranh trong gây trồng, chế biến một số loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao; in phát 2.000 tờ rơi về một số loài cây thuốc quý, tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại 26 thôn vùng lõi, vùng đệm giáp ranh, tập huấn và nâng cao kiến thức về bảo tồn các cây thuốc quý cho 1.300 người dân, cán bộ thôn quanh khu vực Vườn Quốc gia Bến En.

Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En cũng nghiên cứu và xuất bản sách về một số cây thuốc quý, hiến, có giá trị kinh tế cao, xây dựng Video giới thiệu về tài nguyên cây thuốc, tờ rơi tuyên truyền, từ đó tìm ra giải pháp bao tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc tại Vườn; xây dựng kỹ thuật nhân giống các thuốc, phấn đấu khi kết thúc dự án sẽ nhân giống được 9.000 cây thuốc của 3 loài Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Hoài sơn phục vụ trồng nhân rộng các mô hình tại vùng đệm... Việc thực hiện dự án giúp Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En bảo tồn, phát triển được các cây thuốc quý hiếm, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh, góp phần bảo tồn các loài thực vật quý hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vùng Bến En.

Được biết, cây thuốc Thiên niên kiện có công dụng chữa khớp xương đau nhức, đau dạ dày, kích thích tiêu hóa, còn dùng làm nguyên liệu chế tinh dầu sử dụng trong kỹ nghệ nước hoa. Cây thuốc Thổ phục linh dùng làm thuốc tẩy máu, làm ra mồ hôi, chữa giang mai và làm nguyên liệu chế nước ngọt giải khát. Cây Hoài sơn ngoài việc dùng để ăn còn làm thuốc chữa ăn uống khó tiêu, viêm ruột kinh niên, di tinh, mồ hôi trộm, chữa mụn nhọt...

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm