Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng

Lực lượng kiểm lâm, cán bộ, nhân viên vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và người dân nhận khoán trao đổi phương án bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Lực lượng kiểm lâm, cán bộ, nhân viên vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và người dân nhận khoán trao đổi phương án bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) trải rộng trên diện tích 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của thị xã An Khê và 5 huyện (Đăk Đoa, Mang Yang, K'bang, Chư Păh, Đăk Pơ). Toàn khu dự trữ sinh quyển này được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 1Hệ động- thực vật tại Cao nguyên Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Ảnh: TTXVN phát

Tháng 9/2021, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của tỉnh Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng đặc biệt là trong hai vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) của khu dự trữ sinh quyển này.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 2Lực lượng kiểm lâm, cán bộ, nhân viên vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và người dân nhận khoán tuần tra khu vực rừng thuộc vườn quốc gia Kon Ka Kinh - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có trên 40.000 ha, giáp tỉnh Kon Tum và 3 huyện của tỉnh Gia Lai, nhân lực mỏng khiến việc đi tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả, khó khăn, thậm chí thường xuyên gặp nguy hiểm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành phố đổ về địa phương, không có việc làm nên có nguy cơ xâm hại đến rừng. Trong năm 2021, ngoài việc chủ động đề ra các biện pháp quản lý bảo vệ rừng cụ thể cho từng khu vực, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, hạn chế tối đa các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong lâm phần quản lý. Tính đến hết tháng 11/2021, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản 4 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật với khối lượng thiệt hại hơn 22 m3. Đồng thời, đơn vị tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên thu hút hàng nghìn người dân, học sinh vùng đệm tham gia.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 3Nhân viên quản lý bảo vệ rừng tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, thách thức trước mắt được đặt ra với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng là công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, khó khăn, vất vả lớn nhất vẫn thuộc lực lượng nhân viên trực tiếp thực hiện công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ. Do diện tích Khu dự trữ sinh quyển rất rộng lớn, nhân lực mỏng; bên cạnh đó, chính sách chi trả cho người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng và kể cả lương cho cán bộ bảo vệ rừng chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra, do đó, chưa thu hút được cán bộ, người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng không còn phụ cấp kiểm lâm sau khi áp dụng Nghị định 01/2019/NĐ-CP từ năm 2019 do vậy, đề nghị Chính phủ và ban, ngành các cấp cần có chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng bảo vệ rừng. Ngoài ra, cần có chương trình, dự án đầu tư khác để cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức nhân dân, giảm thiểu nguy cơ tác động đến tài nguyên rừng.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 4Nhân viên quản lý bảo vệ rừng tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Việc hàng nghìn hộ dân sống lân cận vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng đã như một yếu tố lịch sử không tách rời. Trước đây, việc khai thác rừng để làm nương rẫy diễn ra khá nhiều, song nhiều năm trở lại đây, nhờ công tác vận động, tuyên truyền và chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang về nguồn thu nhập ổn định cho bà con, góp phần trong việc bảo vệ các khu rừng nguyên sinh trong vùng lõi được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ còn khá thấp, chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 5Nhân viên quản lý bảo vệ rừng tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Chưi (làng Hyêr, xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết, gia đình anh sống nhờ rừng từ nguồn nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng thuộc Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh từ năm 2004 đến nay. Do địa hình phức tạp, hiểm trở, đồi dốc cao nên quá trình di chuyển rất khó khăn, nhiều hôm xe hư chỉ còn cách dắt bộ trở về. Khí hậu trong vùng này cũng khá khắc nghiệt, đặc biệt là mùa mưa nên công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 6 Lực lượng kiểm lâm, cán bộ, nhân viên vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và người dân nhận khoán trao đổi phương án bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Chung nỗi niềm, anh Xoal (làng Hà Lâm, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chia sẻ, anh nhận khoán bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng gần 15 năm, cuộc sống có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, diện tích giao khoán lớn cộng thêm phần lâm tặc hung hãn, đường sá khó khăn, khi tuần tra vào ban đêm có thể gặp một số loài bò sát nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người dân nhận khoán bảo vệ rừng rất mong Nhà nước tăng kinh phí hỗ trợ để người dân địa phương có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam. Đây là nơi giao thoa hệ sinh thái của các vùng miền duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, quy tụ tính đa dạng sinh học của nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 7Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, việc quản lý diện tích rừng lớn nhưng nhân lực mỏng, lương thấp; thiếu dụng cụ, thiết bị giám sát đa dạng sinh học, chưa có Nhà bảo tàng đạt tiêu chuẩn để trưng bày mẫu động, thực vật; chưa có kinh phí nghiên cứu công tác bảo tồn gen quý, mô hình nhân giống các loài cây bản địa cũng gây không ít khó khăn cho đơn vị khi triển khai công tác bảo tồn.

Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh 8Phân giới trong vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Hy vọng khi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng được thế giới biết đến sẽ tạo nhiều cơ hội thu hút các tổ chức trong nước và quốc tế đến đầu tư các dự án bảo tồn và phát triển khu vực này. Thông qua các dự án như du lịch sinh thái, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm... trong khu sinh quyển sẽ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm, tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên bảo vệ rừng, nhằm ổn định đời sống người dân vùng Cao nguyên Kon Hà Nừng, giữ cho rừng trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển mãi xanh tươi.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm