Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án khoa học công nghệ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài khỉ Macaca tại Vườn Quốc gia Bến En (giai đoạn 2019-2022)”, Ban Quản lý Vườn đã ghi nhận ngoài tự nhiên ba loài khỉ thuộc giống Macaca gồm: Khỉ Vàng có 6 đàn với 180 cá thể, khỉ Mặt đỏ có ba đàn với số lượng 54 cá thể và khỉ Mốc có hai đàn với số lượng 45 cá thể. Hiện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã xây dựng kế hoạch và các giải pháp bảo tồn các loài khỉ quý hiếm này.

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En ảnh 1Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) đã xuất hiện tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En cho biết: Thực hiện Dự án, Ban quản lý đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 54 cán bộ của 10 xã, 34 thôn vùng lõi, vùng đệm giáp ranh; tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền cho 1.700 người dân và ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ các loài khỉ. Nhờ đó, nhận thức của người dân vùng đệm đã chuyển biến tích cực, tự giao nộp các cá thể khỉ và động vật hoang dã cho cán bộ cứu hộ, chăm sóc.

Bên cạnh đó, Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, in 1.000 poster giới thiệu về các loài khỉ để cấp phát cho người dân trên địa bàn vùng đệm và du khách đến Bến En; xây dựng bản đồ phân bố các loài khỉ và bản đồ phân bố các mối đe dọa đến các loài khỉ tại Bến En để phục vụ công tác quản lý; đồng thời thực hiện mở rộng vùng sống và phục hồi sinh cảnh; thu hồi, kiểm soát súng săn, tháo gỡ bẫy bắt các loài khỉ này.

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En ảnh 2Khỉ Mặt đỏ có 3 đàn với số lượng 54 cá thể và khỉ Mốc có 2 đàn với số lượng 45 cá thể. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã xác định 6 sinh cảnh có các loài khỉ phân bố gồm rừng hỗn giao gỗ, nứa tự nhiên núi đất, rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng… Loài khỉ này đang có 6 mối đe dọa chính gồm: Săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ trái phép, chăn thả gia súc tự do trong rừng đặc dụng, cháy rừng.

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En ảnh 3Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã phát hiện giống Macaca tại các khu rừng gồm khỉ Vàng có 6 đàn với 180 cá thể, khỉ Mặt đỏ có 3 đàn với số lượng 54 cá thể và khỉ Mốc có 2 đàn với số lượng 45 cá thể. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Việc thực hiện dự án giúp Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng và thu hút khách đến thăm quan du lịch sinh thái; qua đó tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bến En.

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En ảnh 4Khỉ vàng (Macaca mulatta) đã xuất hiện tại Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giám sát về các loài khỉ để đánh giá toàn diện hơn. Đồng thời, Ban Quản lý Vườn kêu gọi các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và làm cầu nối để các tổ chức đến thực hiện các chương trình đầu tư, các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ trong công tác bảo tồn thiên nhiên và tiếp tục thực hiện các hoạt động chăm sóc, cứu hộ, tái thả các loài thú quý hiếm này.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, giống Macaca thuộc phân họ khỉ (Cercopithecinae), bộ linh trưởng Primates. Trên thế giới, giống khỉ Macaca có 22 loài và được phân bố tại Morocco, Angeri, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En ảnh 5Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã phát hiện giống Macaca tại các khu rừng gồm khỉ Vàng có 6 đàn với 180 cá thể, khỉ Mặt đỏ có 3 đàn với số lượng 54 cá thể và khỉ Mốc có 2 đàn với số lượng 45 cá thể. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tại Việt Nam, giống khỉ này có 5 loài gồm: Khỉ Mặt đỏ (Macaca arctoides), khỉ Vàng (Macaca mulatta), khỉ Mốc (Macaca assamensis), khỉ Đuôi dài (Macaca fasciculari)s và khỉ Đuôi lợn (Macaca leonina). Các loài khỉ này thường phân bố tại các khu rừng thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Thanh Hóa... Các loài này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm