Bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định (Bài 2)

Cú đá bay vừa đẹp mắt vừa hiệu quả của võ Bình Định. Ảnh: toquoc.vn
Cú đá bay vừa đẹp mắt vừa hiệu quả của võ Bình Định. Ảnh: toquoc.vn

Bài 2: Đậm nét tinh hoa võ thuật dân tộc

Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh, hòa quyện và chắt lọc cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp, hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, nhưng vẫn có nét riêng biệt. Đặc điểm lớn nhất của võ cổ truyền Bình Định là sự đa dạng về những dòng võ ngay trên chính mảnh đất này, tiếp đó là sự khác biệt trong kỹ thuật giữa các hệ phái, mỗi hệ phái đều chứa những dấu ấn riêng.

Bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định (Bài 2) ảnh 1Cú đá bay vừa đẹp mắt vừa hiệu quả của võ Bình Định. Ảnh: toquoc.vn

Đa dạng về nội dung

Võ cổ truyền Bình Định được các chuyên gia đánh giá là mang đậm sắc thái độc đáo, tạo nên những nét đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là cái "nôi" của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Theo Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Bùi Trung Hiếu, đặc điểm lớn nhất của võ cổ truyền Bình Định là sự đa dạng. Đầu tiên là sự đa dạng về những dòng võ ngay trên đất Bình Định và sự khác biệt trong kỹ thuật giữa các hệ phái, mỗi hệ phái đều chứa những đặc điểm riêng.

Về nội dung, võ cổ truyền Bình Định tựu trung có 4 nội dung cơ bản: Luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm cương quyền và nhu quyền. Võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Binh khí được dùng trong võ cổ truyền Bình Định bao gồm binh khí dài và ngắn. Loại binh khí cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều "phách roi" độc đáo chỉ có ở võ cổ truyền Bình Định như: "Đâm so đũa", "Đá văn roi", "Phá vây"...

Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng, mỗi làng võ gắn với từng địa danh đã tồn tại trong lịch sử làng, xã Bình Định nhiều thế kỷ. Mỗi làng võ tác tạo nên những dòng võ, lò võ nổi tiếng. Trong kho tàng võ cổ truyền Bình Định hiện nay còn lưu giữ nhiều bài võ đặc sắc góp phần làm cho võ Bình Định thêm nổi tiếng, như: Bài “U linh thương”, “Hùng kê quyền”, “Lôi long đao” , “Song phượng kiếm”, “Song đao phá thạch”, “Lôi phong Tùy hình kiếm” và nhiều bài quyền, roi đặc trưng của Bình Định như: “Roi hắc đảnh ô sơn”, “Roi thái sơn”, “Ngọc trản quyền”, “Yến Phi quyền hay Thảo pháp Én bay”, “Lão mai quyền”, “Lão hổ quyền”, “Thần đồng quyền”, “Thiền sư quyền”, “Nhất long quyền”, “Tứ hải quyền”… Đặc biệt, Võ trận Bình Định là dòng võ nổi tiếng trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam. Những bài quyền, bài binh khí của Võ trận ít hoa mỹ nhưng đẹp mắt mà thực dụng, quyết liệt và mạnh mẽ. Qua thời gian, những tuyệt kỹ bí quyết võ công của võ cổ truyền càng trở nên vô giá, đây là điểm đặc sắc riêng của võ Bình Định.

Bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định (Bài 2) ảnh 2Võ cổ truyền Bình Định hoàn toàn xứng đáng trở thành di sản văn hóa võ học phi vật thể của nhân loại. Ảnh: zing.vn

Đam mê vô tận với võ thuật

Truyền thống võ học Bình Định đã được hun đúc bao đời nay, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Từ người già đến người trẻ, từ vua chúa, quan lại tới dân thường, không phân biệt nam, nữ đều có niềm đam mê vô tận với võ thuật.

Thời kỳ Tây Sơn, người học võ ở Bình Định được tập hợp để cùng nhau đạt đến cao trào trong ý nghĩa quật cường và chính khí. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đã lập nên những chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Ngay trong hàng ngũ những vị lãnh đạo cao nhất của nhà Tây Sơn cũng xuất hiện những thiên tài võ học, không chỉ có võ nghệ tài ba, mà còn vận dụng, nghiên cứu, sáng tạo ra những bài quyền, bài kiếm… tinh xảo, có trình độ uyên thâm. Trong đó, không thể không kể đến bài “Hùng kê quyền” được cho là do Đông Định vương Nguyễn Lữ - một trong “Tây Sơn tam kiệt” sáng tạo ra.

Theo các lão võ sư đất Bình Định, tương truyền, Đông Định vương Nguyễn Lữ sinh thời có thú đam mê môn chọi gà, ông thường xuyên theo dõi những trận đá gà. Trong những lần chăm chú quan sát từng thế đánh, miếng đòn, tư thế tấn công, phòng thủ của gà chọi, ông đã đúc rút, nghiên cứu và sáng tạo ra bài "Hùng kê quyền". Những câu từ trong bài võ này thực sự rõ ràng, dễ hiểu và sát với thực tế cuộc sống. "Hùng kê quyền" thiên về độ biến ảo, linh hoạt, như những động tác của con gà chọi. Bài quyền này sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những yếu điểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu..., khiến đối phương phải chịu những tổn thương nặng nề nếu trúng đòn...

Hay như Đô đốc Bùi Thị Xuân, sinh thời bà là người con gái xinh đẹp nhưng cương nghị, dũng mãnh. Là phận nữ nhi nhưng bà lại thích tập luyện võ thuật, đi quyền, múa kiếm, đánh côn, là nữ tướng có tài huấn luyện và điều khiển tượng binh. Trong dòng võ cổ truyền Bình Định, đến nay vẫn còn lưu truyền bài song kiếm nổi tiếng, được tương truyền do bà sáng tạo ra. Đó là bài “Song phượng kiếm”.

Đây chỉ là hai trong số nhiều bài quyền thuật, kiếm thuật… được các lãnh đạo, tướng lĩnh của nhà Tây Sơn sáng tạo, cải biên để phát huy tối đa sức mạnh và để phù hợp với thể chất, tầm vóc người Việt. Khi nhắc tới những tuyệt kỹ này, chắc hẳn không ít người sẽ nhớ ngay đến vùng đất võ Bình Định. Ngoài những tinh hoa võ thuật rèn luyện cơ thể, tay chân, binh khí, võ cổ truyền Bình Định còn có một bài Võ trống trận Tây Sơn hết sức đặc biệt.

Theo Viện võ học Việt Nam, Võ trống trận Tây Sơn, sau này còn tên gọi Võ nhạc Tây Sơn được xuất hiện dưới thời Tây Sơn. Võ nhạc vừa xây dựng, phát triển quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ, có khả năng hiệp đồng tác chiến cao và đánh tan mọi kẻ thù hung hãn, trong mọi tình huống, nhất là trong những lần tập trận, duyệt binh, hành quân, công thành, tiêu diệt địch và ca khúc khải hoàn, mừng chiến thắng. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ các dịp lễ hội, triều nghi, tết cổ truyền của dân tộc, nhà Tây Sơn đã chủ trương nghiên cứu, kiến tạo nên trường phái “Võ trống trận” hùng tráng, mang tính chiến đấu, uy thế vang lừng. Sau đó, nhà Tây Sơn đã cùng các nghệ nhân tâm huyết bổ sung thêm một số nhạc cụ dân tộc và tiến hành hòa âm, phối khí, chuyển thể thành bộ “Võ nhạc” hoàn hảo.

Theo các lão võ sư Bình Định, người trực tiếp điều khiển bộ Võ trống trận phải là người có năng khiếu, được khổ luyện lâu dài, công phu, thuần thục, vừa là một võ công đại tài, trí lực, vừa là một nhạc công điêu luyện, tinh thông nhạc lý. Trong đó, trước tiên cần người có thể lực cường tráng, dẻo dai, sức chịu đựng bền bỉ, tinh thần sảng khoái, khí lực sung mãn, võ công thâm hậu, nhạc lý vững vàng, khả năng quan sát tinh tế để có đầy đủ thể lực, thần lực, nội công lẫn ngoại công, liên tục bay, nhảy, tiến, lùi, lộn vòng, đảo người, phóng cao, lặn hụp, hoán đổi và di chuyển linh hoạt theo các tư thế võ.

Theo Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Phạm Đình Phong: Võ trống trận Tây Sơn có 3 hồi chính. Hồi 1 là luyện quân, hành binh, tập trận. Hồi 2 là tấn công, công thành với nhịp điệu, tiết tấu dồn dập, hùng dũng, đốc thúc binh lính. Hồi thứ 3 là ca khúc chiến thắng khải hoàn, hồi này nhộn nhịp, vui tươi. Điều đặc biệt của Võ trống trận Tây Sơn là không có hồi lui quân, bởi có lẽ quân đội nhà Tây Sơn khi cất quân ra trận chỉ tấn công, tấn công dồn dập chứ không thối lui quân. Điều này cũng được cho là khá hợp lý với một quân đội bách chiến bách thắng như đội quân của Hoàng đế Quang Trung. (Xem tiếp Bài 3: Tôn vinh sức sống mãnh liệt gắn liền với văn hóa - lịch sử) 

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm