Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN |
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sưu tầm , biên soạn và khôi phục các giá trị, di tích võ cổ truyền Bình Định; xuất bản Gia phả các môn phái Võ cổ truyền có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định và xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản thế giới. Đặc biệt tỉnh xây dựng và phát triển Võ cổ truyền Bình Định trở thành sản phẩm đặc thù với 15 lò võ cổ truyền được đầu tư phục vụ du lịch; có 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khai thác sản phẩm đặc thù và đến năm 2030 có 30 lò võ được đầu tư và 90% doanh nghiệp du lịch khai thác sản phẩm này.
Trước mắt từ nay đến 2017, tỉnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo, huấn luyện Võ cổ truyền gắn với phát triển du lịch và đồng thời đầu tư xây dựng 1 Trung tâm Võ cổ truyền tại các huyện, thị xã, thành phố; đến năm 2020 sẽ xây dựng 4 trung tâm và đến năm 2030 sẽ xây dựng 11 trung tâm tại 11 huyện, thị xã và thành phố Quy Nhơn.
Đến năm 2020, Bình Định phát triển Giải Võ cổ truyền tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lên cấp Khu vực miền Trung –Tây Nguyên và đến năm 2022 mở rộng lên cấp Quốc gia; đồng thời phát triển Chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” trở thành giải thi đấu uy tín Võ cổ truyền.
Từ năm 2019, tổ chức liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Bình Định sẽ được tổ chức thay thế cho Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và định kỳ 3 năm tổ chức một lần; tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 toàn đoàn ở môn Võ cổ truyền tại đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 và mỗi năm Bình Định sẽ đóng góp từ 5-7 vận động viên vào các đội tuyển Quốc gia.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, thời gian đến tỉnh tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định; xây dựng và hình thành phong trào tập luyện Võ cổ truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phát triển Võ cổ truyền Bình Định trong học sinh, sinh viên và từng bước ứng dụng vào các lực lượng vũ trang nhân dân; tiếp tục đầu tư, xây dựng các trung tâm Võ cổ truyền Bình Định từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có tính đặc thù với Võ cổ truyền Bình Định và Phát triển thể thao thành tích cao, đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống các giải đấu của bộ môn Võ cổ truyền Bình Định.
Trong những năm qua, việc tổ chức các giải đấu Võ cổ truyền có sự quan tâm đầu tư và dần hình thành giải đấu có uy tín, chất lượng cao, nhờ đó đã phát hiện những nhân tố mới bổ sung kịp thời vào đội tuyển của tỉnh và Quốc gia; nhiều sự kiện văn hoá Võ cổ truyền đã được tổ chức theo đúng định kỳ, nhất là các kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia” , đồng thời được xếp trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ về xây dựng hồ sơ di sản Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.