Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật ở vùng đất phương Nam, nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Bảo tồn nghệ thuật này một cách hiệu quả trong cuộc sống hiện đại hôm nay, ngay trong không gian sống của đồng bào Khmer Nam Bộ; đồng thời phát huy giá trị, quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống này gắn với phát triển du lịch tại những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống là việc làm cần thiết.
Đây là nội dung được đề cập trong hai bài viết với chủ đề Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ.
Bài 1: Nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất phương Nam
Bài 1: Nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất phương Nam
Đồng bào Khmer Nam Bộ trong quá trình lao động, sản xuất, dựng xây cuộc sống đã sáng tạo ra kho tàng văn học, nghệ thuật vô cùng phong phú, độc đáo. Trong đó, nghệ thuật sân khấu kịch hát dù kê - di sản văn hóa nằm trong nền nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, là một trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đặc sắc, được đồng bào Khmer sáng tạo ra và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.
Tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, dù hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về người sáng lập cũng như nơi khai sinh của nghệ thuật dù kê Khmer Nam Bộ, cụ thể là ở địa phương nào trong các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng hay Kiên Giang, song có thể khẳng định rằng, nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời xuất phát từ nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Nam Bộ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Tích tuồng của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian...
Ngoài ra, nhiều vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm... như các vở diễn: Linh thôn, Sac-kinh-ni, Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh. Dù có diễn tích tuồng gì thì nội dung mỗi vở dù kê thường được phân chia thành hai phái rõ rệt: Chính diện-phản diện, thiện-ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu với phương châm thiện thắng tà, làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai.
Có người lý giải, sở dĩ có tên gọi "dù kê” là vì ban đầu nhiều người Kinh gọi đây là vũ kê (điệu múa của thằng Kê) do cách phát âm của người Khmer gần giống với người Kinh ở chữ “V” và chữ “D” nên từ Vũ kê trở thành Dũ kê, qua thời gian thành dù kê (tiếng Khmer viết là Dur-Kêrti). Bên cạnh đó, chữ “dù” trong tiếng Khmer có nghĩa là gom góp, sửa đổi, còn “kê” lại có nghĩa là kết thừa, nối dài.
Nghệ thuật dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn và có đề tài, cốt truyện rõ ràng. Các vở diễn dù kê thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý đồ giáo dục.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ra đời ở miền Tây Nam Bộ trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Tây Nam Bộ lúc đó đã trở thành vựa lúa cung ứng không chỉ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu ra thế giới.
Nền nông nghiệp thương phẩm ra đời đã tác động rất lớn đến phương thức sản xuất, tập quán lao động, sinh hoạt và nhận thức, nếp nghĩ, thói quen, nhu cầu vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nam Bộ. Nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời như một tất yếu của lịch sử văn hóa Nam Bộ. Nếu nói văn hóa Nam Bộ có đặc điểm là dung hợp của nhiều nguồn văn hóa khác thì nghệ thuật dù kê tập trung rất rõ nét tính chất dung hợp đó.
Cũng theo Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, thể loại sân khấu này có ảnh hưởng ít nhiều về nội dung kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, nhạc khí… của hát bội và cải lương của người Kinh, ca kịch người Hoa hay thậm chí cả vũ đạo, cách hóa trang của sân khấu Ấn Độ, âm nhạc của Pháp. Sự kế thừa những yếu tố ngoại lai đã cho thấy tính dung hợp và thích nghi văn hóa rất cao trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer.
Nói cách khác, với nghệ thuật dù kê, đồng bào Khmer đã biết tích hợp các thành tựu nghệ thuật của nhiều dân tộc khác với một tinh thần phóng khoáng, cởi mở, cầu thị, rồi cải biến lại, sáng tạo thêm để hình thành, phát triển một thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc mình.
Theo Tiến sỹ Trương Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu: Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ trải qua nhiều giai đoạn. Dù kê xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, chỉ sau nghệ thuật cải lương một thời gian ngắn, sau đó trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
Trong đó, giai đoạn 1975 đến nay, nhiều đoàn nghệ thuật của đồng bào Khmer, trong đó có biểu diễn dù kê đã được thành lập ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh - tỉnh Trà Vinh, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu, Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang và nhiều đội thông tin lưu động Khmer, đoàn nghệ thuật dù kê quần chúng.
"Món ăn tinh thần” của đồng bào Khmer
Hằng năm, đồng bào Khmer ở Nam Bộ có nhiều lễ hội đặc trưng, có thể kể đến một số lễ hội chính như Tết Chôl Chhnăm Thmây (Tết năm mới, diễn ra vào dịp giữa tháng 4 dương lịch), lễ hội Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà tổ tiên, vào dịp cuối tháng 8 âm lịch), lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng, tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch)… với nghi lễ và hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống. Vào dịp này, các vở dù kê đặc sắc nhất thường được biểu diễn tại ngôi chùa ở các phum, sóc của người Khmer, trở thành một trong những điểm nhấn, hoạt động thu hút sự quan tâm của đồng bào Khmer và cả cộng đồng các dân tộc sinh sống tại mỗi địa phương.
Là người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Khmer, Tiến sĩ Trương Thu Trang (giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu) khẳng định, nghệ thuật sân khấu dù kê là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù kê thường được biểu diễn tại những ngôi chùa Khmer trong dịp lễ hội hay trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng Khmer.
Các tiết mục trình diễn dù kê luôn thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc và khách du lịch đến thưởng thức. Ai cũng háo hức mong chờ được xem những nhân vật của các vở diễn xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, với động tác múa uốn cong từ đôi bàn tay kỳ diệu của người nghệ sỹ. Vì vậy, có thể nói, nghệ thuật dù kê không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức văn nghệ của người dân mà còn là “chất keo” kết nối cộng đồng trong những đêm hội chung. Ra đời và bám rễ trong lòng dân tộc Khmer, trải bao thăng trầm cho đến ngày nay, nghệ thuật dù kê vẫn được người Khmer và cộng đồng các dân tộc Việt Nam biết đến.
Ông Thạch Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Toàn xã có tới 90% người dân là đồng bào Khmer sinh sống. Với người dân ở đây, dù là dân tộc nào thì nghệ thuật dù kê cũng là món ăn tinh thần thân thuộc, gắn bó. Đồng bào Khmer ở đây rất thích xem biểu diễn các vở dù kê vào dịp lễ, Tết, đặc biệt như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok. Vào những dịp này, dù kê được biểu diễn tại các ngôi chùa hay địa điểm diễn ra lễ hội đua ghe ngo…
Dịp Tết Chôl Chhnăm Thmây năm nay, để phòng chống dịch COVID-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ không được tổ chức. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi đến các chức sắc, trụ trì cùng chư tăng, đồng bào Khmer vui Tết đầm ấm, nhưng không tổ chức quy mô, đông người, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa cùng nhau phòng, chống dịch bệnh. Đồng bào Khmer ở Viên An đồng thuận với chủ trương này và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để có những dịp đón Tết, vui lễ hội, xem biểu diễn dù kê, đua ghe ngo vui vẻ, đầm ấm hơn. (còn tiếp)
|
Tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, dù hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về người sáng lập cũng như nơi khai sinh của nghệ thuật dù kê Khmer Nam Bộ, cụ thể là ở địa phương nào trong các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng hay Kiên Giang, song có thể khẳng định rằng, nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời xuất phát từ nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Nam Bộ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Tích tuồng của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian...
Ngoài ra, nhiều vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm... như các vở diễn: Linh thôn, Sac-kinh-ni, Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh. Dù có diễn tích tuồng gì thì nội dung mỗi vở dù kê thường được phân chia thành hai phái rõ rệt: Chính diện-phản diện, thiện-ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu với phương châm thiện thắng tà, làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai.
Có người lý giải, sở dĩ có tên gọi "dù kê” là vì ban đầu nhiều người Kinh gọi đây là vũ kê (điệu múa của thằng Kê) do cách phát âm của người Khmer gần giống với người Kinh ở chữ “V” và chữ “D” nên từ Vũ kê trở thành Dũ kê, qua thời gian thành dù kê (tiếng Khmer viết là Dur-Kêrti). Bên cạnh đó, chữ “dù” trong tiếng Khmer có nghĩa là gom góp, sửa đổi, còn “kê” lại có nghĩa là kết thừa, nối dài.
Nghệ thuật dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn và có đề tài, cốt truyện rõ ràng. Các vở diễn dù kê thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý đồ giáo dục.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ra đời ở miền Tây Nam Bộ trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Tây Nam Bộ lúc đó đã trở thành vựa lúa cung ứng không chỉ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu ra thế giới.
Nền nông nghiệp thương phẩm ra đời đã tác động rất lớn đến phương thức sản xuất, tập quán lao động, sinh hoạt và nhận thức, nếp nghĩ, thói quen, nhu cầu vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nam Bộ. Nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời như một tất yếu của lịch sử văn hóa Nam Bộ. Nếu nói văn hóa Nam Bộ có đặc điểm là dung hợp của nhiều nguồn văn hóa khác thì nghệ thuật dù kê tập trung rất rõ nét tính chất dung hợp đó.
Cũng theo Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, thể loại sân khấu này có ảnh hưởng ít nhiều về nội dung kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, nhạc khí… của hát bội và cải lương của người Kinh, ca kịch người Hoa hay thậm chí cả vũ đạo, cách hóa trang của sân khấu Ấn Độ, âm nhạc của Pháp. Sự kế thừa những yếu tố ngoại lai đã cho thấy tính dung hợp và thích nghi văn hóa rất cao trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer.
Nói cách khác, với nghệ thuật dù kê, đồng bào Khmer đã biết tích hợp các thành tựu nghệ thuật của nhiều dân tộc khác với một tinh thần phóng khoáng, cởi mở, cầu thị, rồi cải biến lại, sáng tạo thêm để hình thành, phát triển một thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc mình.
Theo Tiến sỹ Trương Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu: Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ trải qua nhiều giai đoạn. Dù kê xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, chỉ sau nghệ thuật cải lương một thời gian ngắn, sau đó trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
Trong đó, giai đoạn 1975 đến nay, nhiều đoàn nghệ thuật của đồng bào Khmer, trong đó có biểu diễn dù kê đã được thành lập ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh - tỉnh Trà Vinh, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu, Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang và nhiều đội thông tin lưu động Khmer, đoàn nghệ thuật dù kê quần chúng.
"Món ăn tinh thần” của đồng bào Khmer
Hằng năm, đồng bào Khmer ở Nam Bộ có nhiều lễ hội đặc trưng, có thể kể đến một số lễ hội chính như Tết Chôl Chhnăm Thmây (Tết năm mới, diễn ra vào dịp giữa tháng 4 dương lịch), lễ hội Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà tổ tiên, vào dịp cuối tháng 8 âm lịch), lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng, tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch)… với nghi lễ và hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống. Vào dịp này, các vở dù kê đặc sắc nhất thường được biểu diễn tại ngôi chùa ở các phum, sóc của người Khmer, trở thành một trong những điểm nhấn, hoạt động thu hút sự quan tâm của đồng bào Khmer và cả cộng đồng các dân tộc sinh sống tại mỗi địa phương.
Là người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Khmer, Tiến sĩ Trương Thu Trang (giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu) khẳng định, nghệ thuật sân khấu dù kê là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù kê thường được biểu diễn tại những ngôi chùa Khmer trong dịp lễ hội hay trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng Khmer.
Các tiết mục trình diễn dù kê luôn thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc và khách du lịch đến thưởng thức. Ai cũng háo hức mong chờ được xem những nhân vật của các vở diễn xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, với động tác múa uốn cong từ đôi bàn tay kỳ diệu của người nghệ sỹ. Vì vậy, có thể nói, nghệ thuật dù kê không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức văn nghệ của người dân mà còn là “chất keo” kết nối cộng đồng trong những đêm hội chung. Ra đời và bám rễ trong lòng dân tộc Khmer, trải bao thăng trầm cho đến ngày nay, nghệ thuật dù kê vẫn được người Khmer và cộng đồng các dân tộc Việt Nam biết đến.
Ông Thạch Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Toàn xã có tới 90% người dân là đồng bào Khmer sinh sống. Với người dân ở đây, dù là dân tộc nào thì nghệ thuật dù kê cũng là món ăn tinh thần thân thuộc, gắn bó. Đồng bào Khmer ở đây rất thích xem biểu diễn các vở dù kê vào dịp lễ, Tết, đặc biệt như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok. Vào những dịp này, dù kê được biểu diễn tại các ngôi chùa hay địa điểm diễn ra lễ hội đua ghe ngo…
Dịp Tết Chôl Chhnăm Thmây năm nay, để phòng chống dịch COVID-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ không được tổ chức. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi đến các chức sắc, trụ trì cùng chư tăng, đồng bào Khmer vui Tết đầm ấm, nhưng không tổ chức quy mô, đông người, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa cùng nhau phòng, chống dịch bệnh. Đồng bào Khmer ở Viên An đồng thuận với chủ trương này và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để có những dịp đón Tết, vui lễ hội, xem biểu diễn dù kê, đua ghe ngo vui vẻ, đầm ấm hơn. (còn tiếp)
Thanh Trà
TTXVN