Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm

Cổng vào di tích Quốc gia trận Giồng Bốm. Ảnh: TTXVN phát
Cổng vào di tích Quốc gia trận Giồng Bốm. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 15/4, tại xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946) nhân kỷ niệm 76 năm Ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 - 15/4/2022).

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm  ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong giữ gìn bảo vệ di tích lịch sữ Giồng Bốm. Ảnh: TTXVN

Khơi dậy, cổ vũ lòng yêu nước

Cách đây 76 năm, thực hiện Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) và để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp tái xâm lược lần thứ hai, Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo do cụ Cao Triều Phát – Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 1, quyền Chưởng quản Hiệp Thiên đài – Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo, Tổng Trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang đã chủ trì cuộc “Khoáng đại hội nghị” tại Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm, nhân đại lễ Hạ ngươn vào 2 ngày 19 – 20/11/1945 (tức 14 – 15/10/1945 âm lịch), ngay thời điểm Cách mạng Tháng Tám vừa thành công.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm  ảnh 2Cổng vào di tích Quốc gia trận Giồng Bốm. Ảnh: TTXVN phát

Hội nghị đã thống nhất lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để kháng chiến chống thực dân Pháp. Với khẩu hiệu “Cứu nước là cứu đạo”, các tín đồ quyết hy sinh tài sản, tính mạng để cứu nước, bảo vệ nền đạo. Hội nghị đã suy tôn cụ Cao Triều Phát làm tổng chỉ huy. Tại hội nghị, cụ Cao Triều Phát ra lời hiệu triệu và động viên các chức sắc, chức việc, thanh niên đoàn đạo đức hưởng ứng Ngày Nam bộ kháng chiến bằng hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà, của từng họ đạo trong toàn phái Minh Chơn Đạo.

Sau thời gian hơn 5 tháng chuẩn bị cơ sở vật chất và xây dựng lực lượng đã quy tụ trên 2.000 quần chúng, tín đồ, chức sắc, chức việc và thành lập các ban chuyên trách, xây dựng tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu… ; đặc biệt đã tổ chức tới 18 trung đội trực tiếp chiến đấu, mỗi trung đội khoảng 38 – 39 người.

Sáng sớm 15/4/1946, Pháp đưa hai tiểu đoàn quân viễn chinh với trang bị vũ khí hiện đại chia thành ba hướng tấn công vào Giồng Bốm. Với tinh thần yêu nước, mưu trí, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, với vũ khí thô sơ và lòng quả cảm, các chiến sĩ Trận Giồng Bốm đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Song, do tương quan về lực lượng, vũ khí trang bị và kỹ thuật nên cuộc chiến đấu bị tổn thất lớn lao về người và tài sản của toàn phái Cao đài Minh Chơn Đạo. Những công trình đồ sộ như Tòa thánh Ngọc Minh và Ngũ hành tòa đã bị phá hủy và 137 chức sắc, chức việc, đạo tâm, thanh niên đoàn đạo đức của Cao đài Minh Chơn Đạo đã anh dũng hy sinh vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Mặc dù bị thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống thực dân xâm lược của các tín đồ, chức sắc, chức việc của Cao đài Minh Chơn Đạo trong Trận Giồng Bốm đã giáng đòn mạnh mẽ vào tính hiếu chiến và góp phần làm chậm bước tiến xâm lược của chúng. Đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm  ảnh 3Đài trung liệt thánh tưởng niệm các chức sắc, chức việc, đạo tâm, thanh niên đoàn đạo đức của Cao Đài Minh chơn đạo đã anh dũng hy sinh vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Ảnh: TTXVN phát

Trận đánh đã gây xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao đài và các tôn giáo bạn mang tâm hồn dân tộc; làm nung nấu tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc. Đồng thời, qua đó đã khơi dậy, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung đứng lên chống đế quốc, thực dân xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng.

Bảo tồn, phát huy tốt giá trị của di tích

Tại địa điểm Tòa thánh Ngọc Minh trước đây, trong những năm qua luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh và Ban Thường trực Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo đầu tư xây dựng nhiều công trình khang trang như: Thánh thất Ngọc Minh, Đài Trung liệt thánh, Phủ thờ Cao Triều Phát… Năm 2011, Địa điểm Trận Giồng Bốm được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó đến nay, di tích được giao cho Ban Trị sự Thánh thất Ngọc Minh trực tiếp bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị.

Ngày 1/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3088 xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946). Đây vừa là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của tỉnh Bạc Liêu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm Trận Giồng Bốm gắn với phát triển du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ một cách có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm  ảnh 4Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (bên phải) trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm trận Giồng Bốm năm 1946 cho đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Địa điểm Trận Giồng Bốm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 – 15/4/2022), đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhất là các chức sắc, tín đồ Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tổ chức xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và huy động tốt các nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo thêm nhiều hạng mục, công trình, tạo vẻ mỹ quan của di tích. Đồng thời, ngành từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch... để kết nối tour, tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu lịch sử và du lịch của du khách. Cùng với đó, Sở tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến Trận Giồng Bốm năm 1946 và thân thế, sự nghiệp cụ Cao Triều Phát để trưng bày tại di tích.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm  ảnh 5Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam trao quà cho các gia đình liệt sĩ. Ảnh: TTXVN phát

Ông Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu Sở tăng cường công tác giáo dục truyền thống trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên... về giá trị lịch sử của sự kiện quan trọng này. Qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập. Địa phương cần quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, gia đình người nghèo, gia đình có người thân hy sinh trong Trận Giồng Bốm...

Dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao Bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp trong giữ gìn bảo vệ di tích lịch sử Giồng Bốm; 40 gia đình liệt sĩ được UBND tỉnh và gia đình cụ Cao Triều Phát tặng quà.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm