Cảnh làm việc của chị em người Cơ tu bên những khung dệt thủ công trong ngôi nhà chung của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agrih, xã Axan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng - TTXVN |
Đều đặn vào mỗi tối cuối tuần, ngôi nhà chung của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agríh lại đông vui, với tiếng nói cười của chị em bên những khung dệt thủ công. Ngôi nhà chung do chính những người đàn ông trong thôn cùng góp công sức dựng, vừa là nơi chị em ngồi dệt vừa là địa điểm giới thiệu những tấm thổ cẩm cho khách hàng.
Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agríh hiện có 36 phụ nữ tham gia. Mỗi một người có một khung dệt riêng được làm bằng các ống tre. Người dệt phải ngồi bệt, sử dụng đôi bàn chân để căng khung dệt, chính vì vậy, để tạo được một tấm thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì và sức dẻo dai.
Cảnh làm việc của chị em bên những khung dệt thủ công trong ngôi nhà chung của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agrih, xã Axan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng - TTXVN |
Chị Zơ râm Thị Hương, ở thôn Agríh, xã Axan cho biết: Nghề dệt trong thôn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những bé gái từ 12 tuổi trở lên thường đã biết làm quen với khung dệt. Hàng ngày, ngoài công việc nương rẫy, khi có thời gian rảnh, chị em trong câu lạc bộ thường dệt tại nhà, vào dịp cuối tuần mới tập hợp nhau ngồi dệt ở ngôi nhà chung.
Từ khi câu lạc bộ được thành lập cách đây một năm, chị em trong thôn giúp đỡ nhau rất nhiều trong công việc như phối màu chỉ, tạo họa tiết hoa văn, trao đổi về mẫu thổ cẩm mới…để nâng cao chất lượng thương hiệu thổ cẩm Agríh.
Cảnh làm việc của chị em bên những khung dệt thủ công trong ngôi nhà chung của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agrih, xã Axan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng - TTXVN |
Trước đây, nguyên liệu để dệt một tấm thổ cẩm là những sợi bông tự nhiên và phải trải qua công đoạn nhuộm bằng các loại lá rừng nên mất nhiều thời gian. Hiện nay, sợi chỉ được người dân nhập từ dưới xuôi lên, tấm thổ cẩm cũng được đính thêm hạt cườm lấp lánh để tạo điểm nhấn hoa văn. Những tấm thổ cẩm làm ra hiện nay không chỉ được rút ngắn về thời gian, mẫu mã cũng đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người dân. Từ những tấm thổ cẩm này, người dân sẽ sử dụng để may quần áo truyền thống của người Cơ tu.
Theo người dân ở thôn Agríh, trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra bà con chỉ mang tới những vùng khác để trao đối lấy gạo, muối, mì chính…Hiện nay, thổ cẩm đã trở thành hàng hóa buôn bán có giá trị. Một tấm thổ cẩm có giá từ dưới 1 triệu đồng cho đến vài triệu đồng, tùy theo kích cỡ.
Cảnh làm việc của chị em bên những khung dệt thủ công trong ngôi nhà chung của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agrih, xã Axan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Văn Trưởng - TTXVN |
Chị Pơloong Thị Choói, ở thôn Agríh, xã Axan cho biết: Trước đây, chị em chỉ dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu của gia đình. Những năm gần đây, nhiều người tìm đến thôn để mua nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Axan đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm để vừa giữ nghề truyền thống vừa tạo thêm thu nhập cho phụ nữ trong thôn. Mỗi tháng, chị em trong câu lạc bộ cũng có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng từ công việc dệt bán thời gian này.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Axan Alăng Thị Chích cho biết, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Agríh là mô hình phát triển sinh kế hiệu quả của phụ nữ vùng cao huyện Tây Giang. Thời gian tới, câu lạc bộ sẽ hướng tới việc đa dạng các sản phẩm từ những tấm thổ cẩm để nâng cao giá trị kinh tế, không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn hướng đến phục vụ khách du lịch.
Đỗ Trưởng