Bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa thổ cẩm Việt Nam

Bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa thổ cẩm Việt Nam
Thi dệt thổ cẩm tại " Không gian văn hóa thổ cẩm". Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN
 Thi dệt thổ cẩm tại " Không gian văn hóa thổ cẩm". Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN

Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ” diễn ra tại Đắk Nông từ ngày 14 - 16/1/2019.

Tại hội thảo, gần 40 tham luận của chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu đã phác thảo nên bức tranh đa sắc màu của văn hóa thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Việt Nam, từ dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên- Huế), dân tộc M’Nông (Đắk Nông) cho đến các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia khẳng định: Thổ cẩm không chỉ là trang phục, trang sức mà còn mang đặc trưng của mỗi tộc người. Các đường nét, hoa văn trên thổ cẩm là kết tinh văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, thách thức của quá trình toàn cầu hóa khiến thị trường các sản phẩm cũng như nghề thổ cẩm đang dần bị mai một.
 
Trang phục thổ cẩm là thứ không thể thiếu được trong các lễ hội truyền thống của rất nhiều cộng đồng dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN
Trang phục thổ cẩm là thứ không thể thiếu được trong các lễ hội truyền thống của rất nhiều cộng đồng dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN

Từ chỗ hiện diện rộng khắp trong cộng đồng các dân tộc, thổ cẩm đang dần bị thu hẹp. Các kỹ thuật thêu, may, chế biến màu sắc, nghề trồng bông dệt vải đang dần bị lãng quên. Nhiều kỹ thuật truyền thống đang dần biến mất và sẽ rất khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, khôi phục về sau.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, thổ cẩm của cộng đồng 40 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng, phong phú về màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng. Ngoài ra, các sản phẩm thổ cẩm còn thể hiện nhiều giá trị nhân văn, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, các giá trị phong tục, tập quán… Tuy nhiên, theo thời gian, thổ cẩm các dân tộc trong cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất. Hội thảo lần này là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn nhằm đưa ra giải pháp thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam.

Tiến sỹ Lương Thanh Sơn, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát triển thổ cẩm. Vai trò của Nhà nước thể hiện trong việc định hướng sản xuất, bảo tồn; tạo điều kiện tìm đầu ra; trong việc khuyến khích người dân sử dụng trang phục bằng vải dệt truyền thống…

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của thổ cẩm không chỉ dừng lại ở góc độ văn hóa mà là vấn đề kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, kịp thời để cộng đồng các dân tộc thiểu số bảo tồn, gìn giữ nghề thổ cẩm truyền thống, đồng thời có chính sách thu hút, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia kiến nghị, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến văn hóa thổ cẩm, nhất là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng về tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa của văn hóa thổ cẩm trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh cần có chính sách, dự án cụ thể để nghiên cứu, điều tra, sưu tầm và phổ biến giá trị văn hóa thổ cẩm. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa thổ cẩm, phát huy vai trò của nghệ nhân trong phát triển du lịch.../.
Hưng Thịnh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm